(HNM) - Những gì có được giữa Nga với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau 2 thập kỷ nỗ lực hàn gắn và xây dựng dường như đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Xung quanh những động thái tập trận của hai bên một cuộc chiến thật sự đã diễn ra trên mặt trận kinh tế và ngoại giao. Từ mối quan hệ đối tác, hiện nay Nga và NATO thực sự đã coi nhau là những đối thủ vì liên tục đưa ra những đòn trả đũa lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực. Và Ukraine với vị trí như một gạch nối Đông - Tây bên bờ Biển Đen đã khiến cả thế giới như đối mặt với đêm trước của cuộc Chiến tranh lạnh lần 2. Những "vai diễn" trong cuộc chiến này vẫn không có nhiều thay đổi, Liên Xô thay bằng Nga và phía bên kia là NATO - đứng đầu là Mỹ. Giống như những gì diễn ra trong nhiều cuộc chiến khác, trong màn đấu trí lần này, cả Nga và NATO đều ra sức giành vai "chính diện" và đẩy cho phía bên kia vai "phản diện".
Hội nghị bàn tròn thống nhất dân tộc tại Ukraine ngày 17-5 đã không đạt được kết quả đột phá. |
NATO - "cỗ máy quân sự" lớn nhất thế giới đang cố gắng thể hiện như họ đang bị một nước Nga đe dọa. Chính quyền các nước thành viên của tổ chức này có đường biên giới sát Nga như Bulgaria, Romania, Estonia, Latvia, Litva… đã lên tiếng về sự cần thiết gắn kết, sát cánh của cả khối. Và các thành viên sáng lập của NATO đã nhanh chóng đáp lời bằng cách tăng quân đóng tại các căn cứ ở Đông Âu, điều thêm chiến đấu cơ và tổ chức tập trận rầm rộ khiến cả khu vực xung quanh Biển Đen "sặc mùi" thuốc súng. NATO cũng không quên lặp lại những quan điểm lo ngại sẽ có những Crimea phiên bản 2, 3 thậm chí nhiều hơn nữa; đồng thời kêu gọi các thành viên tăng ngân sách giành cho quốc phòng.
Trong lập trường của Nga, những gì NATO đã làm trong thời gian qua tại không gian hậu Xô Viết không nằm ngoài mục tiêu thúc đẩy quá trình Đông tiến, nhằm phong tỏa ảnh hưởng của xứ Bạch dương ngay tại "sân sau". Không chịu lép vế, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tuyên bố: "Bất kỳ sự gia tăng hiện diện quân đội nào của NATO ở Đông Âu sẽ vi phạm Hiệp ước năm 1997 về hợp tác NATO - Nga". Hiện tại, theo thống kê của NATO, Nga đã triển khai khoảng 40.000 lính cùng nhiều khí tài đến sát biên giới Ukraine. Cùng với hệ thống tên lửa đạn đạo, không quân Nga cũng đã được triển khai tới các khu vực tiếp giáp Đông Âu. Tại Địa Trung Hải, tàu chiến Nga dồn dập tập trận...
Theo nhiều nhà phân tích, sự đóng băng quan hệ Nga - NATO sẽ khó tìm được lối thoát khi không có dấu hiệu nào cho thấy một trong hai phía sẽ tỏ ra nhường bước. Trong khi đó, diễn biến căng thẳng tại miền Đông Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt. Ngày 18-5, Cộng hòa (CH) nhân dân tự xưng Donetsk thông báo đã hoàn tất dự thảo chính thức yêu cầu Bộ Ngoại giao Nga tiếp nhận vào thành phần LB Nga; song không thông báo ngày gửi cụ thể. Thủ tướng CH nhân dân tự xưng Donetsk Oleksander Borodai cũng tuyên bố sẽ không có cuộc bầu cử tổng thống Ukraine nào trên lãnh thổ CH nhân dân tự xưng Donetsk. Donetsk sẽ không đàm phán với Chính phủ tạm quyền Ukraine trong khi quân đội của chính quyền Kiev vẫn hiện diện trên lãnh thổ CH nhân dân tự xưng Donetsk.
Trước đó ít giờ, "Hội nghị bàn tròn thống nhất dân tộc" theo sáng kiến của Tổ chức An ninh và hợp tác Châu Âu (OSCE) diễn ra tại thành phố Kharkov của Ukraine cũng đã kết thúc mà không đạt được kết quả đáng kể nào. Các thành viên tham gia hội nghị đã đề nghị Quốc hội xem xét và thông qua sớm "Ghi nhớ chung về hòa bình và hòa giải". Theo đó, Quốc hội Ukraine phải bảo đảm tiến hành cải cách Hiến pháp chuyển đất nước sang thể chế nghị viện - tổng thống; quy định quy chế phi liên minh quân sự; chỉ tham gia các liên minh kinh tế và chính trị quốc tế theo kết quả trưng cầu ý dân, cải cách các cơ quan bảo vệ pháp luật và ân xá cho người biểu tình. Tuy nhiên, các ý kiến đưa ra mới chỉ mang tính "đơn cực" và do đó hội nghị này không thể gọi là một cuộc thảo luận đúng nghĩa. Dù các bên đồng tình tổ chức "Hội nghị bàn tròn thống nhất dân tộc" lần thứ ba tại Cherkasy vào ngày 21-5 tới, song triển vọng đưa Ukraine trở lại ổn định vô cùng mong manh khi những căng thẳng trong quan hệ Đông - Tây vẫn không ngừng gia tăng.
Tất cả diễn biến trên đây đang làm dấy lên lo ngại rằng, sự rạn nứt ngày càng lớn giữa NATO và Nga có thể tạo ra một cục diện an ninh mới cho một thế giới đa cực. Việc bất đồng ngày càng leo thang giữa NATO và Nga sẽ làm gia tăng những thách thức an ninh toàn cầu trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.