Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo cơ hội phát triển cho trẻ

Hà Hiền| 01/06/2019 06:28

(HNM) - Trẻ em thuộc hộ nghèo, vùng dân tộc thiểu số hoặc có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc toàn diện.

Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức. Ảnh: Thanh Tùng


Mỗi hoàn cảnh, một tấm lòng

“Bà ơi, cháu được thầy, cô giáo khen vì luôn nỗ lực trong học tập. Cháu sẽ cố gắng hơn nữa để không phụ công chăm sóc, nuôi dưỡng của bà…”. Đó là những lời bộc bạch của cháu Vũ Xuân Tùng (sinh năm 2006) với bà ngoại trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Yên Mạc, xã Liên Mạc (huyện Mê Linh) vào những ngày cuối tháng 5-2019. Mồ côi bố, mẹ, Tùng sống với bà ngoại, thuộc diện hộ nghèo, cho nên cuộc sống của hai bà cháu phụ thuộc không nhỏ vào sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng. Nhận được sự hỗ trợ từ nhiều phía, cháu Vũ Xuân Tùng có cơ hội được học tập, vui chơi như bạn bè. Cùng ở huyện Mê Linh và sinh năm 2006, cháu Nguyễn Văn Toàn, thôn Văn Quán (xã Văn Khê) mồ côi bố, không có nhà, sống với mẹ trên sông nước cũng được các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ đến trường.

Tương tự huyện Mê Linh, trẻ em nghèo ở nhiều quận, huyện khác trên địa bàn thành phố thường xuyên nhận được sự quan tâm của Nhà nước, cộng đồng. Chị Ngô Thị Mai, thôn Nội Xá, xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa) chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, lại có con bị khuyết tật. Nhờ các chính sách ưu tiên, gia đình có thêm nguồn lực hỗ trợ để chăm sóc, nuôi dưỡng con cái”.

Tại các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, những chính sách liên quan đến trẻ em được triển khai lồng ghép với chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì thông tin: “Hiện các xã miền núi thuộc huyện Ba Vì có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chỉ còn 3,69% hộ nghèo, số lượng hộ khá, giàu tăng nhanh, nhờ đó có điều kiện chăm sóc trẻ em tốt hơn”.

Đối với gần 1.000 trẻ em đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tùy theo hoàn cảnh, thành phố hỗ trợ mỗi cháu từ 1,4 triệu đồng đến 1,75 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các cháu còn được nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm thăm, tặng quà, học bổng vào những ngày lễ, Tết, năm học mới.

Nhờ sự quan tâm toàn diện, đến thời điểm này, 100% trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội của thành phố được hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách; 99,4% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau. Đáng chú ý, Hà Nội là một trong số ít các tỉnh, thành phố có 100% xã, phường, thị trấn được công nhận “Xã, phường phù hợp với trẻ em”.

Tiếp tục quan tâm về nhiều mặt

Để trẻ em có thêm cơ hội phát triển, tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 vừa diễn ra, đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tổ chức thăm, tặng quà, trao học bổng, hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân Ngày quốc tế Thiếu nhi (1-6) và Tháng hành động vì trẻ em. Các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện tốt hơn vai trò chăm sóc, bảo vệ trẻ em; thường xuyên rà soát, can thiệp, trợ giúp kịp thời, hiệu quả những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt…

Theo đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã dành hơn 300 triệu đồng tặng quà, phần thưởng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tặng thiết bị vui chơi cho Trường Mầm non xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), Trường Mầm non xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì), Trường Mầm non xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức), Trường Mầm non xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ). 30/30 quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên dương, khen thưởng những học sinh vượt khó học tốt; tặng quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, một số xã, phường chủ động xây dựng quỹ từ thiện, nhằm vận động nhân dân chung tay giúp đỡ trẻ em nghèo. Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) đánh giá, việc nhân rộng mô hình quỹ từ thiện ở cơ sở là giải pháp hỗ trợ giảm nghèo theo hướng linh hoạt, có thể hỗ trợ đột xuất và thường xuyên cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...

Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt


Để ngăn ngừa những nguy cơ có thể xảy ra đối với trẻ em, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Sở đã hướng dẫn các địa phương tiếp tục xây dựng mô hình “Xã, phường phù hợp với trẻ em”; tổ chức tốt các diễn đàn giao lưu, trao đổi, hoạt động văn hóa, thể thao trong kỳ nghỉ hè, tạo ra sân chơi bổ ích, thu hút đông đảo trẻ em tham gia. Ở những địa phương có nhiều làng nghề, Sở khuyến khích chính quyền sở tại xây dựng mô hình “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em”.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất thông tin thêm, trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay, huyện Thạch Thất tập trung tuyên truyền, phổ biến về Luật Trẻ em, giúp người dân làng nghề hiểu rằng, việc để trẻ em tham gia lao động sớm là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của trẻ, gia đình và xã hội.

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội ghi nhận nhiều trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số nỗ lực vượt khó, trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân có ích… Đó là minh chứng rõ nhất để khẳng định, sự quan tâm về nhiều mặt từ các cơ quan chức năng và cộng đồng đã, đang góp phần tạo ra cơ hội phát triển bình đẳng cho tất cả trẻ em.

Toàn thành phố Hà Nội có 1,84 triệu trẻ em. Hiện vẫn còn hơn 12.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hơn 19.000 trẻ em sống trong gia đình nghèo; gần 16.000 trẻ em thuộc nhóm dân tộc thiểu số cần được quan tâm, trợ giúp...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo cơ hội phát triển cho trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.