(HNM) - Nhiều năm trực tiếp tham gia hỗ trợ người khuyết tật, Trưởng đại diện Tổ chức ActionAid Việt Nam Hoàng Phương Thảo khẳng định: “Không đơn giản là chuyện tặng “cần câu” hay “con cá”, điều quan trọng nhất là phải tạo cơ hội để người khuyết tật chủ động học nghề, nắm bắt cơ hội, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho mình và cộng đồng”.
- Bà có thể chia sẻ đôi điều về công tác hỗ trợ người khuyết tật của Tổ chức ActionAid Việt Nam thời gian qua?
- Tổ chức ActionAid Việt Nam là thành viên của ActionAid quốc tế - một liên đoàn quốc tế hoạt động với mục tiêu giảm thiểu đói nghèo và bất công trên toàn thế giới. Năm 1992, ActionAid là một trong các tổ chức phi chính phủ quốc tế đầu tiên được Chính phủ Việt Nam trao giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Qua thực tiễn công tác hỗ trợ người khuyết tật, có thể nói, một trong những vấn đề khó khăn nhất với chúng tôi chính là phải tạo được sự tin tưởng, để người khuyết tật sẵn sàng đồng hành, cộng tác nhằm vượt qua mọi rào cản, khó khăn.
- Theo bà, đâu là yếu tố quan trọng nhất trong hành trình hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, góp phần vào sự phát triển xã hội?
- Không đơn giản là chuyện tặng “cần câu” hay “con cá”, điều quan trọng nhất là phải tạo cơ hội để người khuyết tật chủ động học nghề, nắm bắt cơ hội, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho mình và cộng đồng. Đơn cử như việc chúng tôi tài trợ 15 máy khâu công nghiệp cho Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng (Sóc Sơn, Hà Nội) năm 2019.
Là một cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng 87% lao động là người khuyết tật, các cán bộ hợp tác xã không tiếp nhận tài trợ một cách thụ động, mà đã mở thêm ngành may công nghiệp, chủ động triển khai chương trình dạy và học nghề, tạo việc làm cho 18 lao động. Chúng tôi đồng hành cùng hợp tác xã, thực hiện tư vấn, huấn luyện, tạo việc làm và tổ chức các hoạt động xã hội, tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.
Kinh nghiệm cho thấy, để người khuyết tật có việc làm, làm được việc, phải tập hợp họ, tìm việc làm phù hợp, phân công đúng người, đúng việc, phù hợp với từng dạng tật. Đặc biệt là phải phân công lao động trợ giúp trong công việc, người khuyết tật có điểm mạnh này giúp đỡ người khuyết tật có điểm yếu khác. Cùng với đó, bố trí lao động không khuyết tật tham gia quản lý, điều hành và hỗ trợ…
- Bà đề xuất gì để tăng khả năng nắm bắt cơ hội việc làm cho lao động là người khuyết tật?
- Cần trang bị kiến thức về công nghệ thông tin, tăng khả năng làm việc từ xa, làm việc trực tuyến của người khuyết tật, mở rộng thêm các ngành nghề họ có thể làm. Đẩy mạnh cập nhật cơ sở dữ liệu về lao động người khuyết tật, có chính sách riêng đối với lao động nữ là người khuyết tật… Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được ưu đãi về vốn vay và thời gian trả nợ, để các cơ sở có vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị kỹ thuật, tổ chức sản xuất, bố trí nơi ăn, chốn ở cho người khuyết tật…
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.