(HNMO) - Ngày 29-12, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác về người khuyết tật năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Thống kê của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho thấy, hiện nay, cả nước có khoảng 7 triệu người khuyết tật. Tính đến cuối năm 2022, đã có trên 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Năm 2022, Tổng cục Thống kê đã triển khai các hoạt động chuẩn bị cho điều tra quốc gia người khuyết tật năm 2023. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 quy định người khuyết tật không có sinh kế ổn định được tham gia vào dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; các bộ, ngành ban hành 7 thông tư, 7 quyết định và 6 công văn để cụ thể hóa, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác người khuyết tật trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm và sinh kế, xây dựng, giao thông, trợ giúp pháp lý...
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: Năm 2022, công tác bảo đảm an sinh xã hội theo Hiến pháp, trong đó có công tác bảo đảm an sinh cho người khuyết tật, đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, chủ động. Qua đó, các rào cản xã hội từng bước được loại bỏ, quyền của người khuyết tật ngày càng được bảo đảm tốt hơn, các cơ quan, đơn vị đã cố gắng thực hiện nhiều quy định hỗ trợ cho người khuyết tật.
Trong năm 2023, với mục tiêu xuyên suốt là duy trì tốt việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người khuyết tật có điều kiện phát triển ngày càng tốt hơn, phải tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1-11-2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, nhằm tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về công tác người khuyết tật. Đồng thời, quan tâm thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, đi đôi với công khai, công bằng, minh bạch. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật qua Ngân hàng Chính sách xã hội; tăng cường hướng dẫn giải quyết chính sách trợ cấp xã hội online; tổ chức triển khai tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.