(HNMO) - Thu hút đầu tư vào chế biến nông sản là một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết bài toán "được mùa - mất giá", khủng hoảng thừa cho sản phẩm nông nghiệp.
Hiệu quả cao nhưng vẫn khó thu hút
Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ, Tập đoàn TH, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, có công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược/ngày. Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm sạch Vân Hồ, thông tin: Nhà máy có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, sẽ giải quyết 15.000ha vùng nguyên liệu.
Các loại quả thu mua chế biến, gồm: Nhãn, ổi, xoài, cam, chanh leo, táo mèo... và sản xuất các loại nước ép rau củ quả hoàn toàn tự nhiên, an toàn. Chỉ tính riêng năm 2021, công ty đã liên kết với các hợp tác xã trên địa bàn Sơn La thu mua gần 800 tấn quả nhãn và cam để sản xuất nước ép cô đặc, cung cấp cho các đơn vị trong hệ sinh thái của Tập đoàn TH.
Ví dụ như vậy không nhiều. Thực tế cho thấy việc thu hút doanh nghiệp đầu tư sâu vào chế biến nông sản vẫn chưa tương xứng với năng lực sản xuất của các vùng chuyên canh, dẫn tới áp lực tiêu thụ nông sản tươi khi vào chính vụ vẫn rất lớn, nhất là các loại rau, củ, quả thu hoạch theo mùa vụ như nhãn, xoài, mít, rau xanh các loại...
Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở NN&PTNT, thành phố hiện có hơn 400 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường nhận định: Mặc dù thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đầu tư đến hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nhưng đa số mới chỉ đạt ở quy mô vừa và nhỏ, thực hiện chế biến thô, chưa tạo ra được sản phẩm có thương hiệu riêng.
Khó khăn của Hà Nội trong thu hút đầu tư vào chế biến nông sản cũng là khó khăn chung. Đánh giá về thực trạng chế biến nông sản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho hay, Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với hơn 7.500 doanh nghiệp có năng lực chế biến trên 120 triệu tấn nông sản mỗi năm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện chưa tương xứng với tiềm năng; công nghệ chế biến nông sản nhìn chung chưa cao, chỉ đạt mức trung bình. Mặt khác, sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao tỷ lệ còn thấp (10-40% tùy ngành hàng), sản phẩm chế biến chưa phong phú.
Tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp
Khuyến nghị về giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Biggreen (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, các địa phương cần tăng cường xây dựng chuỗi sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; cần "trải thảm" để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản với các chính sách cụ thể về đất đai. Song hành các chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng... thì hạ tầng kết nối từ nhà máy đến vùng nguyên liệu cũng cần được quan tâm đầu tư.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thành phố Hà Nội đang triển khai cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, có 50% cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng, sữa... sử dụng trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản sản phẩm theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến.
Đưa ra giải pháp về cơ chế, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các địa phương cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực chế biến để nâng dần tỷ trọng nông sản có giá trị gia tăng cao, giảm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô. Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương hỗ trợ đầu tư mới và mở rộng công suất cơ sở chế biến đối với những ngành hàng có vùng nguyên liệu đạt chuẩn; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm; đồng thời, tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng, năng lực chế biến nông sản, đặc biệt đối với cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ, các hợp tác xã chế biến nông sản.
Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình khoa học, công nghệ phục vụ chế biến nông sản giai đoạn 2021-2030 nhằm đa dạng hóa mặt hàng nông sản chế biến, nâng tầm giá trị sản phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.