Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng

HNM| 07/09/2017 06:54

(HNM) - Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ bảy, sáng 6-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 và Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, năm 2017, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, trong thời gian qua chỉ có 25 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong khi có tới 145 vụ/328 bị cáo bị Tòa án nhân dân các cấp xét xử sơ thẩm.

Từ thực tế trên, các đại biểu đề nghị Chính phủ nêu cụ thể những tồn tại, hạn chế về phòng, chống tham nhũng của các ngành, lĩnh vực, địa phương; trách nhiệm cá nhân, giải pháp khắc phục tình trạng này; đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng cá thể hóa trách nhiệm công vụ...

Tại phiên họp sáng 6-9, Ủy ban Tư pháp đã thẩm tra Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh trình bày nêu rõ, sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu...

Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tiếp tục xác định nhiệm vụ chính là tạo ra một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch, “không thể tham nhũng”... Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh khẳng định, việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết nhằm tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng; đồng bộ với quy định mới trong các đạo luật quan trọng khác được Quốc hội thông qua...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.