Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo cơ chế hiệu quả kiểm soát quyền lực

Hà Phong| 28/05/2013 07:31

(HNM) - Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, việc tổng kết ý kiến nhân dân về Hiến pháp và ba khái niệm của học thuyết phân quyền đã chính thức được đề cập trong chính văn Dự thảo sửa đổi...



Tuy nhiên, tại cuộc thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ngày 27-5, nhiều ý kiến của ĐBQH cho thấy, vẫn còn có những vấn đề cần bàn để bảo đảm hai chủ trương quan trọng trên đi vào đời sống.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ. Ảnh: Viết Thành


Tam quyền phân lập của Nhà nước

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Đoàn Hà Nội) là Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đồng thời là một trong những thành viên tham gia biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định, kể từ thời điểm triển khai Nghị quyết của QH, Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến nay, đã có 26 lượt triệu ý kiến tâm huyết và trách nhiệm của nhân dân trong và ngoài nước gửi đến các cơ quan chức năng. Từ góp ý của cử tri, chuyên gia, nhà khoa học, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, ba khái niệm của học thuyết phân quyền là lập pháp, hành pháp, tư pháp đã chính thức xuất hiện trong chính văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó, xác định rõ QH là cơ quan lập hiến, lập pháp duy nhất. Còn Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, thực hiện quyền hành pháp. Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Thế nhưng, đi sâu vào học thuyết phân quyền - nền tảng cho mô hình trên ở nhiều quốc gia hiện đại, vẫn còn một số vấn đề cần bàn để bảo đảm nguyên tắc duy trì sự độc lập. Theo ĐB Lê Thanh Vân, Trần Ngọc Dân (Đoàn Hải Phòng), dù Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định phân công quyền lực, nhưng các điều khoản sau này về QH, Chính phủ, Tòa án chưa thể hiện rõ nét tinh thần đó. Mặt khác, nếu coi Cương lĩnh của Đảng là cơ sở chính trị quan trọng định hướng cho lập hiến, thì yêu cầu kiểm soát quyền lực - nét mới nhất của Cương lĩnh 2011 cần được hiến định theo cách nào là vấn đề chưa được làm sáng tỏ.

Cần nghiên cứu 100% ý kiến nhân dân

Một vấn đề khác được nhiều ĐBQH quan tâm, đó là sau khi đã hoàn thiện xong khâu tập hợp ý kiến nhân dân về các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cơ quan chức năng sẽ ứng xử thế nào với vấn đề còn có nhiều đề xuất khác nhau. Theo ĐB Nguyễn Tấn Dương (Đoàn Quảng Nam), mặc dù có dư luận cho rằng, hiểu biết về Hiến pháp của nhân dân chưa đủ để góp ý. Nhưng đây là quan điểm có phần phiến diện. Trên thực tế, các nội dung: tự do kinh doanh, tài sản, đất đai, nhà ở, việc làm, học tập mà dự thảo đang đề cập liên quan sát sườn đến đời sống dân sinh. Do đó, cần nghiên cứu sâu 100% các ý kiến. Với những vấn đề một bộ phận nhân dân mong muốn, nhưng việc thay đổi có thể dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên CNXH cần giải thích rõ để tạo sự đồng thuận trong dư luận.

Về chính quyền địa phương, theo ĐB Nguyễn Đình Quyền (Đoàn Hà Nội), bản Dự thảo mới nhất chưa có sự chuẩn bị, nghiên cứu đúng mức. Cũng tại phiên thảo luận tổ ngày 27-5, nhiều ý kiến của ĐBQH Đoàn Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh ở một số tỉnh, thành phố đã bộc lộ nhiều hạn chế của mô hình HĐND như: Sự cồng kềnh về bộ máy, nguồn nhân lực; không hiệu quả về hoạt động; quyền hạn chồng chéo, trách nhiệm chưa rõ ràng. Trong vấn đề phân cấp giữa trung ương và địa phương, các biện pháp tăng cường phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền địa phương hiện nay còn thiếu đồng bộ. Chính quyền địa phương đôi khi chưa đủ thẩm quyền để chủ động, trong khi một số nhiệm vụ cần quản lý tập trung, thống nhất.

Để giải quyết các vấn đề này, Hiến pháp phải có những quy định về nguyên tắc phân quyền giữa chính quyền trung ương và địa phương. Việc phân quyền phải dựa trên nguyên tắc những cấp nào sát với thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu tổ chức và người dân thì phân cho cấp đó thực hiện. Những việc mà chính quyền cấp dưới không thực hiện được thì mới phân cho chính quyền ở cấp cao hơn. Đồng thời, chính quyền địa phương phải có sự độc lập nhất định, có tài sản và ngân sách riêng để chủ động thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mà mình được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo cơ chế hiệu quả kiểm soát quyền lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.