(HNM) - Từ ngày 15 đến 22-2, Sở Nội vụ Hà Nội đã lập Đoàn công tác kiểm tra công vụ đột xuất tại các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Theo ghi nhận của phóng viên Hànộimới trong sáng 22-2, dù lượng người đến giao dịch còn thưa thớt, nhưng cán bộ, viên chức các sở, ngành, địa phương làm việc rất nghiêm túc, khẩn trương.
Việc tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ hành chính với công dân và tổ chức về cơ bản được duy trì ổn định ngay từ sau tết Bính Thân. Ảnh: Bá Hoạt |
Song, hiện tượng cán bộ tiếp dân không đeo thẻ, quên mặc đồng phục hay không công khai đường dây nóng vẫn xảy ra. Điều đó cho thấy, muốn tạo được chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương hành chính, có lẽ phải bắt đầu từ việc tưởng là nhỏ nhưng không hề nhỏ.
Hòm thư góp ý… bị bỏ quên
Tổ kiểm tra đến phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm vào lúc 9h ngày 22-2. Tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính, cán bộ trực đã đến đông đủ nhưng không đeo thẻ, không mặc đồng phục. Đến 9h15, bà Hoàng Thị Khanh (số 3, ngõ Phan Chu Trinh, phường Phan Chu Trinh) là vị khách đầu tiên đến làm thủ tục nhập khẩu cho cháu. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ trực nhanh chóng thực hiện và hoàn thiện các quy trình trong khoảng 5 phút. Từ đầu năm 2016 đến nay, bà Khanh đã đến phường làm các thủ tục hành chính hai lần và đều được cán bộ trực tiếp đón niềm nở, thân thiện. Cũng đến bộ phận "một cửa" tại UBND phường Phan Chu Trinh làm thủ tục sao giấy tờ trong sáng qua, anh Nguyễn Ngọc Nam (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) cho biết: "Tôi đi chứng thực một số giấy tờ, cứ nghĩ là đầu năm phải chờ lâu, nhưng tới đây, các cán bộ, công chức làm việc nhanh chóng, có trách nhiệm".
Khác với bộ phận "một cửa" khá đông đúc nhộn nhịp, phòng tiếp công dân ngay sát đó đèn điện sáng nhưng không có người trực. Theo giải trình của bà Nguyễn Thị Ánh Hường, Phó Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh, trong những ngày đầu năm mới, số người dân đến làm thủ tục hành chính không nhiều, nhưng phường vẫn yêu cầu bộ phận "một cửa", trong đó có cán bộ tư pháp phải trực 100% quân số. Do đó, ngày 22-2, cán bộ tư pháp phải "phân thân", vừa trực giải quyết hồ sơ, vừa đón tiếp công dân ngay ở bộ phận "một cửa".
Trong bối cảnh việc nhiều, người ít, biện pháp giải quyết như trên của phường Phan Chu Trinh có thể chấp nhận được. Tuy vậy, các điều kiện bảo đảm công dân đến sẽ được góp ý lại chưa được bảo đảm một cách toàn diện. Bất cập đầu tiên là phường Phan Chu Trinh có hòm thư tiếp công dân, ngay trên hòm thư có số điện thoại đường dây nóng (là số điện thoại di động của Chủ tịch UBND phường), nhưng tại thời điểm kiểm tra, không cán bộ nào có chìa khóa để mở. Theo một thành viên tổ kiểm tra, thiếu sót này phải rút kinh nghiệm ngay.
Cá biệt hơn, tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, hòm thư góp ý còn được treo tại góc nhà để xe, bụi phủ mờ. Tại thời điểm kiểm tra 11h ngày 22-2, không thấy bất cứ văn bản nào công bố số điện thoại đường dây nóng được dán công khai, không có chìa khóa để mở hòm thư góp ý.
Chữa bệnh phải từ gốc
Thông tin từ các đoàn kiểm tra cho biết, từ ngày 15 đến 19-2, qua kiểm tra đột xuất 13 đơn vị, gồm: UBND huyện Phúc Thọ, UBND huyện Đan Phượng, Công an huyện Phúc Thọ - bộ phận giải quyết hộ khẩu, UBND một số xã tại huyện Đan Phượng, UBND quận Hai Bà Trưng, một số phường của quận Hai Bà Trưng…, không khí Tết chỉ còn hiện diện ở cửa vào trụ sở các đơn vị, nơi các cành đào đang khoe sắc. Mặc dù số người đến làm thủ tục, giải quyết công việc không nhiều, song bộ phận "một cửa" chính quyền các cấp đều thực hiện nghiêm giờ trực, giờ làm việc; việc tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ hành chính với công dân và tổ chức về cơ bản được duy trì ổn định. Dù vậy, giống như kết quả kiểm tra tại phường Phan Chu Trinh và Phạm Đình Hổ ngày 22-2, việc thực hiện các quy định về công khai minh bạch chưa triệt để. Đơn cử, UBND xã Đan Phượng (Đan Phượng), UBND phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa) chưa thực hiện niêm yết công khai lịch tiếp công dân thường xuyên, lịch tiếp công dân của Chủ tịch UBND.
Trong khi đó, theo quy định, thực hiện "một cửa", cơ quan chính quyền phải công khai các quy định của Nhà nước, công khai cách giải quyết và quy định chặt chẽ về thời gian trả lời công dân. Đây là biện pháp để ngăn ngừa hiện tượng nhũng nhiễu. Nhưng, UBND quận Hai Bà Trưng chưa niêm yết công khai danh mục thủ tục hành chính liên quan đến hội, quỹ thuộc lĩnh vực Nội vụ theo Quyết định số 7095/QĐ-UBND ngày 26-12-2014 của UBND TP Hà Nội. Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Phúc Thọ chưa công khai danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, cơ sở pháp lý, tên thủ tục, quy trình, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính đăng ký thường trú theo các quy định. Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh huyện Phúc Thọ cũng trong cảnh tương tự. Đáng nói hơn, UBND phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) niêm yết công khai các danh mục thủ tục không còn hiệu lực. Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Phúc Thọ chưa tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết vào tất cả các ngày làm việc; việc đề nghị công dân bổ sung hồ sơ của Sở Xây dựng còn chưa đúng thời hạn quy định…
Theo Sở Nội vụ, trong thời gian sớm nhất, Sở sẽ tổng hợp báo cáo kết quả với UBND TP Hà Nội và có văn bản chính thức gửi từng đơn vị để kịp thời chấn chỉnh, sau đó quay trở lại kiểm tra việc khắc phục. Việc tái kiểm tra là cần thiết để siết chặt và tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố ngay những ngày đầu năm mới. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải thực sự nhận thức được trách nhiệm của mình, tự giác nâng cao tinh thần, thái độ, phong cách phục vụ nhân dân.
Về phản ánh không khí làm việc vắng lặng đầu năm tại phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm): Ban Bạn đọc |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.