Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng viện phí: Bệnh nhân lo, bảo hiểm cũng sợ

Hải Anh| 23/09/2011 06:55

(HNM) - Thông tin Bộ Y tế đề xuất tăng viện phí đã khiến cho nhiều người bệnh mang thêm mối lo tiền bạc ngoài nỗi lo bệnh tật. Dù Bộ Y tế trấn an rằng, việc tăng viện phí sẽ không ảnh hưởng nhiều tới người dân vì đã có BHYT và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng người dân, nhất là người nghèo, vẫn


Tăng viện phí liệu có chấm dứt chuyện “xé rào” của bệnh viện là câu hỏi mà dư luận đang quan tâm. Ảnh: Đàm Duy

Bệnh nhân hoang mang

Bác Hùng, 62 tuổi, có "thâm niên" chạy thận nhân tạo gần 8 năm tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai than thở: "Chỉ với mức đồng chi trả BHYT 5% mà nhiều người chạy thận nhân tạo như tôi đã méo mặt vì chưa biết xoay xở thế nào. Thu nhập từ đồng ruộng vốn đã khó khăn lại mang thêm bệnh trọng, nay viện phí lại điều chỉnh tăng, chắc những người như tôi sẽ rất chật vật. Bởi tổng thu viện phí tăng thì mức bệnh nhân phải chi trả cũng sẽ tăng theo".

Hằng ngày tại các BV, có rất nhiều người nghèo, bệnh nhân đang phải "gồng mình" để lo chi trả chi phí chữa bệnh. Nhiều bệnh nhân tại BV K, Việt Đức, Nội Tiết... cho biết, chi phí mỗi đợt khám chữa bệnh hiện nay ít thì cũng cả triệu đồng. Điệp khúc tăng viện phí có lẽ đã quá quen thuộc với những bệnh nhân có "thâm niên" khám bệnh dịch vụ như bác Nguyễn Thị Hằng, 63 tuổi ở Đống Đa (Hà Nội). Từ lâu, bà đã phải trả giá dịch vụ y tế ở mức cao, chứ không theo khung giá từ năm 1995. Thế nhưng điều bà Hằng lo lắng là liệu viện phí được điều chỉnh có phải là cái đà để các BV tiếp tục đẩy giá dịch vụ vốn đã cao lại càng lên cao nữa hay không.

"Lâu nay tôi đi khám bệnh ở các BV, giá cũng đã là 50.000 - 70.000 đồng/lần khám rồi, chẳng còn chỗ nào thu tiền khám 3.000 - 5.000 đồng nữa. Tiền giường dịch vụ cũng từ 150.000 - 350.000 đồng/ngày" - bác Hằng nói.

Tăng viện phí có hết "xé rào"?

Câu chuyện "xé rào" viện phí không ít lần được báo chí đề cập mỗi khi Bộ Y tế "dọa" tăng viện phí. Rất nhiều người bệnh khi được hỏi đều cho rằng, số tiền họ phải chi trả trong quá trình khám chữa bệnh cao hơn rất nhiều so với giá mà Bộ Y tế ban hành. Giải thích về điều này, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch - Tài chính cho biết, những trường hợp trên là do người bệnh đi khám bệnh theo yêu cầu và khám vượt tuyến, không có giấy giới thiệu của tuyến dưới.

Cho rằng mức viện phí quá thấp, nên tại hội nghị bàn về vấn đề viện phí mới được tổ chức, Bộ Y tế cũng thừa nhận thực tế có nhiều trường hợp BV yêu cầu người bệnh hoặc gia đình bệnh nhân ra ngoài mua thêm vật tư tiêu hao, gây phiền hà cho người bệnh có thẻ BHYT. Bộ Y tế cho rằng, việc điều chỉnh viện phí sẽ góp phần tăng chất lượng khám chữa bệnh, BV có đủ kinh phí để triển khai các dịch vụ và tình trạng trên sẽ được hạn chế.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, viện phí mới mà các BV đề xuất hiện nay mới chỉ tính các chi phí trực tiếp chưa bao gồm lương, đào tạo, khấu hao cơ sở hạ tầng, tài sản cố định. "Một giường bệnh chuyên dụng tại Khoa Điều trị tích cực có giá khoảng 1 tỷ đồng chưa kể các thiết bị máy thở, bơm kim điện, bình ôxy... thế nhưng mỗi bệnh nhân ở đây hiện chỉ trả 18.000 đồng cho một ngày điều trị. Nếu so sánh với mức viện phí mới thì cũng chưa thấm vào đâu"- ông Hiền nói.

Từng không ít lần đề xuất có chính sách hỗ trợ cho những bệnh nhân chạy thận mãn tính trong việc đồng chi trả viện phí, bác sĩ Nguyễn Cao Luận, Trưởng khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) cho rằng, viện phí tăng sẽ đẩy nhanh thực hiện BHYT toàn dân và khi đó quỹ BHYT sẽ đủ nguồn lực hỗ trợ cao nhất cho người bệnh… "Tuy nhiên cần hình thành Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, được trích ra từ chính nguồn thu từ viện phí. Không thể người bệnh, vì không có khả năng chi trả viện phí mà trốn viện bỏ về không điều trị. Như vậy vừa thiếu trách nhiệm với bệnh nhân mà BV thì không biết lấy tiền ở đâu để bù cho họ", ông Luận đề xuất.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong 350 dịch vụ có mức giá lỗi thời sẽ có lộ trình đổi mới giá. Cái gì cần thiết quá, lạc hậu quá sẽ xem xét trước. Theo Bộ trưởng, hiện chính sách viện phí mới đang tiếp tục được bàn thảo, các bộ phận soạn thảo đang tiếp tục rà soát và sẽ có một hội đồng thẩm định độc lập trước khi triển khai. Giá các dịch vụ y tế do các BV đề xuất chỉ là tham khảo. Bộ trưởng cũng khẳng định: "Việc đổi mới cơ chế tài chính của ngành y tế phải bảo đảm rằng người dân chấp nhận được và trên tinh thần công bằng trong thụ hưởng dịch vụ y tế".

Có thẻ bảo hiểm vẫn chật vật

Ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng, mức viện phí hiện nay đang được tính thấp, nhưng với mức tăng như trong dự thảo thì cũng phải cần xem xét, tính toán lại. "Công khám 3.000 đồng/bệnh nhân, chúng tôi đồng ý là thấp nhưng nếu tính bình quân 20.000 đồng/bệnh nhân với một BV khám từ 800 - 1.000 bệnh nhân/ngày thì cộng lại là số tiền tương đối lớn. Số tiền này nếu chia cho các chi phí như vật tư tiêu hao, điện nước, văn phòng phẩm, công của thầy thuốc… liệu có thừa hay không? Ngay cả tiền giường, một bệnh nhân phải trả 180.000 đồng/ngày trong khi vẫn không "thoát" cảnh nằm ghép…" - ông Bằng đặt vấn đề.

Cũng theo ông Bằng, lâu nay Bộ Y tế vẫn nói rằng, mức viện phí hiện nay chỉ tính một phần chi phí, thế nhưng trong bảng cơ cấu giá lại có cả tiền lương và tiền khấu hao trang thiết bị, vật tư tiêu hao… Ông dẫn chứng: "Điều trị vết thương phần mềm tổn thương nông dưới 10cm, mức chi trả tối đa là 157.000 đồng thì trong đó cơ cấu tiền lương là 18.000 đồng (chiếm hơn 10%). Thậm chí có những dịch vụ cơ cấu tiền lương tới 6.900 đồng trong tổng chi phí là 25.000 đồng… Như thế chẳng khác nào nhân viên y tế được hưởng lương hai lần, một từ dịch vụ y tế và một từ ngân sách nhà nước".

Dù Bộ Y tế lý giải rằng, viện phí không tác động đến 53 triệu người dân là những đối tượng đã có thẻ BHYT vì họ đã được BHYT chi trả từ 80 đến 95%. Nhưng thực tế, đa phần người sử dụng thẻ là người nghèo hoặc bệnh nặng, vượt quá khả năng chi trả của bản thân. Chính vì thế, khi giá dịch vụ y tế tăng, mức đồng chi trả là 5% hoặc 20% cũng sẽ tăng và dù có thẻ bảo hiểm thì họ vẫn bị "thiệt hại".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng viện phí: Bệnh nhân lo, bảo hiểm cũng sợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.