Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Tăng trưởng xanh": Xu thế phát triển tất yếu của đô thị

Gia Khánh| 09/07/2015 06:25

(HNM) - Sự phát triển quá nhanh của các đô thị trong thế kỷ XXI đã, đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt về biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra.


Nhiều "nút thắt"

Báo cáo của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, nguồn thu từ các hoạt động kinh tế đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn, gắn với phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu GDP cả nước. Chỉ tính 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương, dân số chiếm 40% tổng dân số đô thị, GDP chiếm khoảng 50% GDP cả nước. Tổng thu ngân sách khu vực đô thị chiếm hơn 70% tổng thu ngân sách toàn quốc, khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế cho cả vùng, miền, khu vực. Song để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững còn khá nhiều "nút thắt" phải giải quyết.

Đô thị nhỏ chiếm số lượng lớn trong hệ thống đô thị quốc gia. Đô thị loại I đến IV chỉ chiếm 19% (147/774 đô thị). Đô thị hóa tập trung cao ở vùng Đồng bằng Nam Bộ (64%), thấp nhất vùng trung du miền núi phía Bắc (21%). Đô thị hóa đất đai chủ yếu chỉ diễn ra ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Về năng lực cạnh tranh, báo cáo của Ngân hàng Thế giới tháng 4-2015 cho thấy, các đô thị Việt Nam xếp hạng khiêm tốn; điểm cạnh tranh của TP Hồ Chí Minh - đô thị năng động nhất mới đạt 39 trong khi Bangkok (Thái Lan) là 60, Seoul (Hàn Quốc) 78, Tokyo (Nhật Bản) 94.

“Tăng trưởng xanh” là xu hướng phát triển bền vững đối với hệ thống đô thị. Ảnh: Thái Hiền


Điểm đáng lưu ý nữa là mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị chưa có sự đa dạng, vô hình tạo nên sự cạnh tranh lẫn nhau, không phát huy được lợi thế đặc trưng của mỗi địa phương. Tăng trưởng dựa vào giá trị sản xuất, nhân công giá rẻ, nhưng hiệu suất lao động thấp. Dịch vụ tư nhân, sản xuất tiểu thủ công nghiệp đem lại giá trị thặng dư thấp, khó có khả năng duy trì tăng trưởng lâu dài, dễ chịu tác động do biến động kinh tế, tự nhiên nhưng khả năng chống chịu và phục hồi kém. Trong lĩnh vực công nghiệp, tỷ trọng công nghệ cao chiếm khoảng 20% trong khi công nghệ thấp chiếm 54%; hơn nữa ý thức ưu tiên phát triển kinh tế mà quên đi những phí tổn tài nguyên môi trường cảnh quan tự nhiên càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp.

Tính đến khả năng lồng ghép…

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành "Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh", trong đó, lĩnh vực đô thị được dành ưu tiên cao với việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành từ quan điểm phát triển bền vững; xây dựng khung chính sách đô thị hóa xanh, với tiêu chí giảm tiêu hao năng lượng trên GDP và giảm cường độ phát thải khí nhà kính; lập kế hoạch cải tạo đô thị theo hướng bền vững; khuyến khích công nghiệp vật liệu xanh hóa và sử dụng năng lượng tiết kiệm trong xây dựng, sử dụng các tòa nhà… Sa Pa và Sóc Trăng là hai đô thị đầu tiên đã ban hành chiến lược tăng trưởng xanh.

"Tăng trưởng xanh" trở thành hướng đi tất yếu của các đô thị. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá, việc xây dựng đô thị tăng trưởng xanh còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Nguyên nhân khách quan là chưa có khái niệm về đô thị tăng trưởng xanh và tiêu chí, thực tiễn về lĩnh vực này ở cấp độ quy mô toàn đô thị. Trên thế giới, nhiều tổ chức quốc tế đã nghiên cứu mô hình tổng thể đô thị gần gũi với quan điểm đô thị tăng trưởng xanh với các tên gọi khác nhau như đô thị sinh thái, đô thị kinh tế - sinh thái, đô thị kinh tế - môi trường và công bằng, đô thị thông minh… Mỗi quốc gia lại có luận giải, áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn, phương pháp quy hoạch, đầu tư xây dựng khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố năng lực, trình độ phát triển khoa học công nghệ, thị trường, đặc điểm điều kiện tự nhiên, truyền thống.

Tại hội thảo "Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam - 2015", được Diễn đàn đô thị Việt Nam tổ chức mới đây, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia Ngô Trung Hải cho rằng, vai trò của quy hoạch hướng tới mô hình đô thị xanh đặc biệt quan trọng. Đơn cử, việc giảm nhu cầu sử dụng năng lượng đô thị nhờ giải pháp hình thành và tạo lập khung cấu trúc cảnh quan tổng thể đô thị dựa trên yếu tố đặc trưng như địa hình, khí hậu, thủy văn… Nói cách khác là biến thách thức từ tự nhiên thành cơ hội phát triển, như xây dựng đô thị nổi, đô thị nước… Cũng theo ông Ngô Trung Hải, lồng ghép không gian nông nghiệp đô thị trong quy hoạch là một bước tiến trong xu thế xanh. Việt Nam có nhiều cơ hội áp dụng, tạo ra nét cảnh quan đặc sắc, không gian xanh sản xuất nhưng lại có giá trị giải trí, nghỉ ngơi.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, dù áp dụng mô hình hay giải pháp nào thì các kế hoạch hành động đều cần bảo đảm khả năng lồng ghép vào quy hoạch vấn đề sản xuất - tiêu dùng bền vững, giảm phát thải - thích ứng biến đổi khí hậu; xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác hiệu quả tài nguyên… Mô hình tăng trưởng của đô thị không thể xem nhẹ mức độ tác động môi trường vì sự tồn tại, phát triển lâu dài, trước hết của chính đô thị, sau đó là ảnh hưởng tích cực có tính lan tỏa của đô thị.

Đến hết năm 2014, cả nước có 774 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 34,5% và dự kiến nâng lên 50% vào năm 2025. Hiện, tổng diện tích đất tự nhiên của các đô thị khoảng 34km2, chiếm hơn 10% diện tích đất tự nhiên cả nước. Tuy nhiên, nhiều khu vực nội thành, nội thị vẫn còn 50% diện tích đất nông nghiệp hoặc để trống chưa sử dụng. Hiện tượng chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê… nhất là vùng ven đô diễn ra rầm rộ, rất cần sự quản lý chặt chẽ.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Tăng trưởng xanh": Xu thế phát triển tất yếu của đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.