(HNM) - Không giống như những năm trước, 5 tháng đầu năm 2014 đã qua đi nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn ì ạch, với mức tăng chỉ đạt 1,31% so với cuối năm 2013.
Để đạt kế hoạch 12-14% cho cả năm 2014, các ngân hàng đang ráo riết "chạy đua" với việc đưa ra hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi…
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Một trong những ngân hàng dành nguồn vốn khá lớn để cho vay với lãi suất thấp là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Từ ngày 1-6, Agribank triển khai chương trình cho vay ưu đãi khoảng 10.000 tỷ đồng đối với khách hàng xuất, nhập khẩu năm 2014. Lãi suất vay dao động khoảng 6-8%/năm, tùy từng món vay. Sau thời hạn ưu đãi, Agribank sẽ áp dụng lãi suất cho vay thông thường.
Không chỉ chú trọng vào những DN lớn, để hỗ trợ tối đa nhu cầu vốn cho cá nhân, hộ kinh doanh và các DN vừa và nhỏ, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) đã triển khai đồng loạt các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Cụ thể, lãi suất 8,5%/năm được áp dụng cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng và DN. Đối với tiểu thương, nếu vay 30 triệu đồng, mỗi ngày người vay chỉ phải trả khoảng 6.000 đồng tiền lãi. Riêng DN đầu tư tài sản cố định, bổ sung vốn vay ngắn hạn có thể được hưởng lãi suất 0,49-0,69%/tháng. Ngoài chương trình cho vay ưu đãi, MHB còn triển khai nhiều gói sản phẩm tài chính trọn gói dành cho các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, DN. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) đã đưa ra những giải pháp giúp DN phụ trợ quản lý tài chính chuyên nghiệp, nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực. Với gói sản phẩm này, DN được hưởng các ưu đãi hấp dẫn về giá và phí khi sử dụng các dịch vụ tài chính.
Những ngân hàng khác như LienVietPostBank, VPBank, TPBank… cũng không đứng ngoài cuộc khi đưa ra những mức lãi suất hấp dẫn cho khách hàng cá nhân, cũng như DN. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh và lãi suất không phải là yếu tố làm cản trở tăng trưởng tín dụng. Song, việc DN có vay được vốn ngân hàng hay không còn phụ thuộc vào chính hoạt động của DN. Nếu DN đáp ứng đủ điều kiện theo quy định về cấp tín dụng, chắc chắn DN sẽ tiếp cận được và vay vốn từ ngân hàng. Đối với nhóm DN này, các ngân hàng còn cạnh tranh nhau để cho vay vốn.
Để thúc đẩy tín dụng, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, các ngành chức năng cần có giải pháp đồng bộ hỗ trợ như bảo lãnh cho DN vay vốn, các tổ chức tín dụng cũng cần tích cực đẩy mạnh hỗ trợ DN, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm... Bên cạnh đó, bản thân DN cũng cần đánh giá lại tình hình sản xuất, kinh doanh, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, khắc phục khó khăn, qua đó chứng minh với các tổ chức tín dụng việc quản trị tốt dòng tiền, có khả năng trả nợ, cũng như có hướng khắc phục khó khăn trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.