Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng trưởng GDP năm 2013 không đạt kế hoạch

Vân An| 21/10/2013 11:00

(HNMO) – Sáng 21/10, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2013, tăng trưởng GDP không đạt chỉ tiêu đề ra, 2/15 chỉ tiêu Quốc hội giao không đạt.


Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm qua, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, kinh tế có bước phục hồi, tái cơ cấu kinh tế đạt được kết quả bước đầu. Trong số 15 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua cho năm nay, có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt, 2 chỉ tiêu không đạt. Theo thủ tướng, trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, đạt được kết quả này là một cố gắng lớn của toàn hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân. 

Đáng chú ý, tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012, 9 tháng năm 2013 là 4,63%, dự báo cả năm khoảng 7% (kế hoạch là 8%). Tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng nhanh, đạt mức khoảng 12 tuần nhập khẩu. Xuất khẩu 9 tháng tăng 15,7%, ước cả năm tăng 14,4% (kế hoạch là 10%); tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 96,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách ước đạt 96,9% kế hoạch, tổng chi ước đạt 100,8% kế hoạch. Vốn FDI 9 tháng tăng 36,1%, vốn thực hiện tăng 6,4%. GDP năm 2013 ước đạt khoảng 5,4%...

Đặc biệt, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các chính sách an sinh xã hội vẫn được quan tâm thực hiện tốt, đời sống nhân dân có bước cải thiện. Hiện nay, trên 98% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung tại nơi người dân cư trú. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị hiện khoảng 3,48%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,6% cuối năm 2012 còn khoảng 7,8% vào cuối năm nay. Dư nợ tín dụng cho chính sách xã hội đến hết tháng 9 đạt 118,5 nghìn tỷ đồng, tăng 32,4% so với cuối năm 2010.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhận xét, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát kiểm soát tốt nhưng chưa vững chắc, bội chi vẫn cao hơn kế hoạch, điều tiết giá chưa tốt, hoạt động của một số tổ chức tài chính tín dụng chưa thật an toàn, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, nợ xấu còn cao, tăng trưởng GDP chưa đạt kế hoạch, công tác quản lý tài nguyên, môi trường còn nhiều yếu kém…

Bước sang năm 2014, Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, vẫn phải tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời tranh thủ thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013; Huy động và sử dụng phù hợp các nguồn lực trong và ngoài nước, tạo thêm nhiều nguồn lực cho phát triển và bảo vệ đất nước…

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu cho năm tới phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 5,8%; giá tiêu dùng tăng khoảng 7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 4%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP là 5,3%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 30% GDP; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4% so với cuối năm 2013; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15,5%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22,5 giường; diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đầu người đạt 24,9 m2/người; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg) được xử lý đạt 85%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 84%...  

Chưa nên đặt mục tiêu phục hồi nhịp độ tăng trưởng nhanh

Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 và 3 năm 2011-2013; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhất trí đánh giá, trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn nhưng dưới sự định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012” và “bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”, các cân đối lớn của nền kinh tế đạt kết quả tích cực hơn.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm, là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5-7%). Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp được đánh giá là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần từ 3,3% giai đoạn 2006-2010 dự báo chỉ còn 2,81% trong năm 2013…

Về mục tiêu tổng quát của năm 2014, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm tới sẽ không cao hơn nhiều so với năm 2013, chỉ có khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là có khả năng giữ nhịp độ tăng trưởng cao. Hầu hết các thành viên Ủy ban Kinh tế nhất trí về dự báo tình hình, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường và các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần kiên trì tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng ở mức hợp lý trên cơ sở tính toán, hài hòa liều lượng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; cải thiện cơ cấu chi ngân sách để tăng chi đầu tư phát triển cả về tỷ trọng và số tuyệt đối gắn với tăng tính hiệu quả; hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, chưa nên đặt mục tiêu phục hồi nhịp độ tăng trưởng nhanh.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, một số ý kiến đề nghị tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 chỉ nên ở khoảng 5,5% là mức hợp lý, tránh tạo áp lực lạm phát, bảo đảm giữ được việc làm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 6%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30-31% GDP; tăng tín dụng ở mức 14-15%; đầu tư từ ngân sách tăng ít nhất 10%. Một số ý kiến khác cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8%; nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 13-15% so với ước thực hiện năm 2013, nhập siêu tiếp tục duy trì ở mức hiện nay; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 30% GDP; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%...

Về bội chi ngân sách nhà nước, đa số ý kiến tán thành đề nghị tăng bội chi ngân sách để bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội, tuy nhiên nhấn mạnh phần bội chi tăng thêm cần phải được tập trung cho chi đầu tư phát triển với danh mục công trình cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng GDP năm 2013 không đạt kế hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.