Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng trưởng đồng đều song song với bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2016-2020

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 12/10/2016 08:25

(HNMO) - Ngày 11/10, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố Chiến lược đối tác quốc gia 2016-2020 đối với Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tới việc thúc đẩy tăng trưởng đồng đều và bảo vệ môi trường bền vững.


Theo đánh giá của các chuyên gia ADB, Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng nhanh (trung bình trên 6,5%/năm trong giai đoạn 1991–2015) đã làm thay đổi đất nước, từ một trong những nước nghèo nhất châu Á trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 2.109 USD.

Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam là kết quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu quan trọng, giải phóng nền kinh tế và phát huy các lợi thế cạnh tranh. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới đi đôi với tăng cường định hướng thị trường trong chính sách kinh tế, và tăng trưởng trong khu vực doanh nghiệp tư nhân. Lao động đã dịch chuyển ra khỏi các hoạt động kinh tế truyền thống có năng suất thấp như nông nghiệp sang các hoạt động hiện đại tinh vi hơn, có năng suất cao hơn như công nghiệp chế tạo và dịch vụ.

Mặt khác, Việt Nam cần xây dựng một nền kinh tế thị trường năng động hơn có khả năng cạnh tranh toàn cầu và đạt mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Khu vực tư nhân cần đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam và giảm tác động của khu vực tài chính mong manh gây ra đối với đổi mới sáng tạo và tạo việc làm. Khi lợi thế của lao động giá rẻ không còn nữa, Việt Nam cần phải có giải pháp nâng cao năng suất, đổi mới sản phẩm và gia tăng giá trị. Hội nhập khu vực và toàn cầu có thể tạo ra động cơ khuyến khích cải cách trong nước. Xây dựng một lực lượng lao động vững mạnh, được đào tạo tốt hơn và nâng cao chất lượng hạ tầng sẽ là những nhiệm vụ thiết yếu.


Những điều này đòi hỏi nền kinh tế phải tiếp tục chuyển đổi cơ cấu, thông qua cải cách và tăng cường các thiết chế quản lý hoạt động kinh doanh, và nền hành chính công với nhiệm vụ cung cấp dịch vụ xã hội thiết yếu, đặc biệt dành cho những người dân thành thị thuộc diện cận nghèo, trong đó có những người lao động nhập cư dễ bị tổn thương. Tăng dân số, công nghiệp hoá và đô thị hoá là những yếu tố góp phần làm môi trường suy thoái, năng suất trong nông nghiệp thấp, làm suy giảm chất lượng nước và không khí, suy giảm đa dạng sinh học. Những thách thức này càng trầm trọng hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề đang đặt Việt Nam đứng trước những rủi ro cao.

Tuy nhiên, theo ADB, Việt Nam cũng đồng thời bắt đầu đối mặt với những thách thức mới và phức tạp hơn. Các luồng vốn lớn đổ vào Việt Nam đã trở thành một thách thức lớn về quản lý đối với các cơ quan chức năng của Việt Nam, làm cho giá tài sản tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, và làm cho Việt Nam trở nên rủi ro hơn trước những biến động của nền kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã kích hoạt một giai đoạn bất ổn về kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, dự trữ ngoại hối giảm, lạm phát tăng lên hai con số, và thâm hụt thương mại gia tăng.

Bên cạnh đó, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác được tối đa tiềm lực kinh tế to lớn của mình. Việt Nam cần có một chiến lược dài hơi để tận dụng lợi thế về vị trí địa lý của Việt Nam và đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục chuyển đổi cơ cấu và cải thiện năng suất của các doanh nghiệp trong nước nhằm hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Về môi trường, tăng trưởng kinh tế nhanh, mật độ dân số cao và đặc điểm địa lý riêng biệt của Việt Nam như đường bờ biển dài và các đồng bằng châu thổ rộng lớn làm cho Việt Nam đứng trước những thách thức lớn về môi trường - đặc biệt là trong bối cảnh nông nghiệp có tầm quan trọng kinh tế lớn. Những thách thức này càng trầm trọng hơn với những rủi ro về biến đổi khí hậu. Theo chỉ số rủi ro khí hậu, Việt Nam là nước xếp thứ 7 trên thế giới về mức độ rủi ro khí hậu. Một tỉ lệ dân số và tài sản kinh tế cao của Việt Nam nằm ở các vùng đồng bằng ven biển và vùng châu thổ, dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, hạn hán và các sự kiện thời tiết cực đoan như bão. Thách thức ở các vùng trung du và núi cao bao gồm sạt lở đất, địa hình khắc nghiệt, độ xói mòn cao.

Ngành nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gạo dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi phần lớn diện tích đất đang ở độ cao chưa đầy 2 mét so với mực nước biển. Biến đổi khí hậu có thể làm giảm sản lượng lúa hàng năm từ 3–9 triệu tấn từ nay đến năm 2050, và các khu vực sản xuất cà phê có thể không trụ được. Hệ sinh thái biển Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Thêm vào đó, việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị và công nghiệp tiếp tục làm giảm diện tích đất canh tác (28% tổng diện tích đất tự nhiên). Mực nước ngầm đang suy giảm, và ô nhiễm đất và nguồn nước do công nghiệp đang tăng lên. Mặc dù chương trình trồng rừng hoạt động khá tích cực song diện tích rừng tự nhiên còn lại ở các vùng cao nguyên đang bị suy thoái và mất đi với tốc độ không bền vững, do dân số tăng và nhu cầu sử dụng đất công nghiệp đang gia tăng.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, để giải quyết những thách thức này, chiến lược đối tác quốc gia (CPS) của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dành cho Việt Nam giai đoạn 2016–2020 sẽ hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư và cải cách chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững với môi trường. 


Để giải quyết những thách thức này, CPS của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2016–2020 sẽ hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư và cải cách chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững với môi trường. Để đạt được mục tiêu này, khuôn khổ chiến lược của ADB sẽ dựa trên ba trụ cột:

* Thúc đẩy tạo việc làm và năng lực cạnh tranh.
* Tăng cường tính bao trùm toàn diện trong cung cấp hạ tầng và dịch vụ,
* Cải thiện tính bền vững môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

CPS đưa ra một chương trình với các hoạt động ưu tiên nhằm hỗ trợ cho từng trụ cột chiến lược. Cách tiếp cận này dựa trên kết quả và nhằm tối đa hoá tác động của hỗ trợ từ ADB qua việc nâng cao tác động cộng hưởng của các chương trình và dự án của ADB. ADB cũng tìm cách tăng cường sự kết nối và tính cộng hưởng giữa các chương trình dự án cho chính phủ và cho khu vực tư nhân qua đó thúc đẩy hoạt động khu vực tư nhân, và chương trình cải cách của quốc gia và vùng.

Có thể thấy, những ưu tiên của CPS hoàn toàn nhất quán với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2011–2020 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016–2020, các văn kiện này đề ra tầm nhìn cho phát triển kinh tế bền vững với môi trường và bình đẳng về xã hội. Quyết tâm chính trị cao đối với chương trình hội nhập khu vực và hội nhập toàn cầu của Việt Nam đã được khẳng định.


CPS cũng thống nhất với quan điểm ủng hộ của Việt Nam đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc (LHQ) và các cam kết đã đưa ra tại Hội nghị COP21 giữa các bên tham gia Hiệp định khung của LHQ về biến đổi khí hậu, và cân nhắc những ưu tiên của ADB nêu trong Báo cáo đánh giá giữa kỳ chiến lược 2020, và các bài học rút ra từ CPS giai đoạn 2012–2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng đồng đều song song với bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2016-2020

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.