(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24/2021/NĐ-CP (ngày 23-3-2021) quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập (cơ sở giáo dục). Theo đó, từ ngày 15-5-2021, cơ sở giáo dục có trách nhiệm giải trình với xã hội, cơ quan quản lý, giáo viên… theo quy định của pháp luật về các nội dung như: Mục tiêu chất lượng giáo dục, kế hoạch tuyển sinh, quản lý tài chính, tài sản. Bạn đọc Báo Hànộimới đánh giá, đây là những điểm mới nhằm tăng trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong các cơ sở giáo dục.
Bà Dương Thị Sáu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh:
Hướng tới xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại, hội nhập thế giới
Nghị định số 24/2021/NĐ-CP quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Cụ thể, các cơ sở giáo dục này phải thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý các hoạt động giáo dục; cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm giải trình các hoạt động quản lý giáo dục và bảo đảm cho học sinh, gia đình và xã hội cùng tham gia trong quản lý các hoạt động giáo dục. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động tham gia xây dựng kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục; trình hội đồng trường phê duyệt các kế hoạch trước khi tổ chức thực hiện. Những quy định này không nằm ngoài mục đích đổi mới để nền giáo dục Việt Nam đi đúng định hướng, đạt hiệu quả cao, hiện đại, hội nhập thế giới.
Ông Nguyễn Khắc Thuật, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa):
Quy định cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục
Nghị định số 24/2021/NĐ-CP của Chính phủ với những quy định cụ thể là hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục. Theo đó, quản lý phải bảo đảm thực hiện dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch về chất lượng giáo dục, phù hợp với loại hình nhà trường và quy định của pháp luật. Quy định mới cũng thể hiện việc cơ sở giáo dục được quyết định các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, được chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định của pháp luật.
Chị Nguyễn Thị Thu Huệ, ngõ 136 đường Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm:
Nâng cao vai trò của phụ huynh trong việc giám sát
Theo Nghị định số 24/2021/NĐ-CP, phụ huynh học sinh có trách nhiệm tham gia góp ý vào mục tiêu giáo dục và kế hoạch giáo dục của cơ sở giáo dục thông qua ban đại diện; góp ý nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục về các biện pháp giáo dục, khen thưởng, kỷ luật học sinh… Đây là điểm mới, “trao quyền” cho phụ huynh học sinh, giúp nâng cao vai trò của phụ huynh trong việc giám sát các hoạt động của cơ sở giáo dục. Từ quy định này, hy vọng sẽ chấm dứt tình trạng thu, chi sai nguyên tắc, cố tình “lách luật” của một số cơ sở giáo dục. Ví dụ, con tôi hiện học mầm non tại một trường chất lượng cao trên địa bàn quận Cầu Giấy. Tuy mức học phí rất cao,4 triệu đồng/trẻ/tháng, song phụ huynh vẫn bị yêu cầu đóng các khoản tiền như quỹ lớp, quỹ trường lên đến 1,3 triệu đồng/trẻ/năm. Hay việc ban giám hiệu nhà trường tự ý cho một số đơn vị tư nhân vào thực hiện các hoạt động như: Chụp ảnh chân dung trẻ; test kỹ năng vận động thể chất, khả năng phát triển tư duy… Hy vọng với những quy định mới ban hành, tình trạng này sẽ chấm dứt trong các trường học.
Bà Vũ Thu Hương, giáo viên dạy toán, Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt, quận Long Biên:
Mong quy định mới sớm đi vào cuộc sống
Theo quy định mới, giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục có trách nhiệm tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục… Tuy nhiên, trách nhiệm của giáo viên, nhân viên, người lao động được thực hiện đến đâu, hiệu quả như thế nào còn phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi đúng quy định pháp luật của người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Quy định yêu cầu cơ sở giáo dục có trách nhiệm giải trình với xã hội, cơ quan quản lý, giáo viên… về mục tiêu, chất lượng giáo dục, kế hoạch tuyển sinh, quản lý tài chính, tài sản; quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các hoạt động giáo dục… là rất hợp lý, nhằm tăng tính công khai, minh bạch và dân chủ trong các hoạt động của cơ sở giáo dục. Rất mong cơ quan quản lý sớm có thông tư hướng dẫn để những nội dung của Nghị định sớm đi vào cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.