Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng tốc “về đích” nông thôn mới

Nguyễn Mai| 18/05/2020 06:05

(HNM) - Phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới có vai trò hết sức quan trọng, tạo bệ đỡ cho nền kinh tế và sự ổn định xã hội... Tiếp theo 6 huyện đi trước, hiện nay 9 huyện, thị xã của Hà Nội đang tăng tốc, gấp rút thực hiện các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ trình các cấp thẩm tra, công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2020.

Cùng với vốn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa, Hà Nội tích cực hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2020. Trong ảnh: Quang cảnh xã Quất Động (huyện Thường Tín) thay đổi sạch đẹp. Ảnh: Lê Tuấn

Nhiều khó khăn 

Đến hết năm 2019, Hà Nội có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, có 9 huyện, thị xã đăng ký với thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là: Thạch Thất, Phúc Thọ, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây. Đây là quyết tâm rất cao của các huyện, thị xã và thành phố Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới.

Ở thời điểm hiện tại, các huyện Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thường Tín, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đủ điều kiện đầu tiên và đang tăng tốc để hoàn thiện 9/9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới. Tuy nhiên vẫn có những huyện chưa đủ 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới như Mê Linh, Chương Mỹ… và nhiều tiêu chí khác khó đạt trong thời gian ngắn.

“Chỉ tiêu có 60% số trường THPT đạt chuẩn quốc gia trở lên; có Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao đạt chuẩn... không phải huyện nào cũng làm được ngay bởi cần tới hàng trăm tỷ đồng đầu tư...” - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng nêu ví dụ.

Ngoài ra, không ít địa phương đang phải đối mặt với những vấn đề không thể tự giải quyết. Ví dụ như Phú Xuyên có 22/27 xã, thị trấn hiện Bộ Công an đưa vào diện trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự nên chưa thể hoàn thành tiêu chí về an ninh, trật tự xã hội. Hay như nhiều xã vùng bãi của huyện Phúc Thọ nằm trong hành lang thoát lũ nên khó được chấp thuận đầu tư xây dựng công trình hạ tầng. Chưa kể, tiêu chí về môi trường với huyện Thường Tín - nơi có nhiều làng nghề thủ công - cũng là việc không dễ giải quyết...

Trong khi đó, việc giữ các tiêu chí đã đạt về giao thông, thủy lợi, môi trường, thu nhập bình quân... cũng là thách thức với nhiều địa phương. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết: "Mặc dù huyện đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ các năm 2014-2018, nhưng tiêu chí xã nông thôn mới mỗi năm lại đòi hỏi cao hơn nên vẫn cần được hỗ trợ đầu tư để đáp ứng yêu cầu mới…".

Thực tế nêu trên đòi hỏi các địa phương phải quyết tâm lớn và có những giải pháp mới để vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu đề ra. 

Tăng động lực để sớm về đích

Trồng cà rốt, loại cây cho giá trị cao ở xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Mạnh Hà

Thực tế cho thấy, những tiêu chí còn hạn chế trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương đều là tiêu chí khó. Do vậy, cùng với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các huyện, thị xã thì sự hỗ trợ của thành phố là hết sức cần thiết.

Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Đức cho biết: “Trên cơ sở rà soát các tiêu chí còn thiếu, sắp xếp các hạng mục ưu tiên đầu tư của các huyện, thị xã, trong giai đoạn 2020-2021, thành phố dự kiến sẽ bố trí cho các huyện khoảng 900 tỷ đồng… Bên cạnh đó, các huyện huy động thêm nguồn ngân sách địa phương và kêu gọi vốn xã hội hóa, chắc chắn sẽ đáp ứng được đủ vốn đầu tư hoàn thành các tiêu chí...”.

Với một số tiêu chí khó mà các địa phương không thể tự giải quyết như tiêu chí an ninh, trật tự xã hội của huyện Phú Xuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, đến nay đã đủ điều kiện để kiến nghị Bộ Công an xem xét, đưa các xã của huyện Phú Xuyên ra khỏi diện xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, giúp huyện trình các cấp đánh giá, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, từ đặc thù, mỗi địa phương đã có những giải pháp riêng để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Ví dụ huyện Phúc Thọ, cùng với việc huy đông sức dân, huyện đã quyết liệt triển khai 3 khâu đột phá là: Quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha canh tác, giúp người dân tăng thu nhập; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhằm tăng thu ngân sách địa phương; thực hiện hiệu quả cuộc vận động “3 sạch” - nước sạch, nông nghiệp sạch, môi trường sạch để nâng cao chất lượng cuộc sống người  dân.

Đối với khó khăn trong tiêu chí môi trường của huyện Thường Tín, đặc biệt tại các làng nghề, huyện đã tập trung xây dựng 5 cụm công nghiệp làng nghề để đưa sản xuất ra xa khu dân cư; đồng thời thúc đẩy đầu tư các dự án bảo vệ môi trường.

Từ thực tiễn nêu trên có thể thấy, cùng với sự hỗ trợ từ thành phố, điều quan trọng là các huyện, thị xã cần chủ động tháo gỡ khó khăn bằng những giải pháp căn cơ, sáng tạo, với một quyết tâm mới. Đặc biệt là cần tiếp tục đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, ý thức của người dân trong vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới... Khi đó, 9 huyện, thị xã của Hà Nội sẽ sớm về đích nông thôn mới như mục tiêu đề ra. 

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội - Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: Mặc dù còn nhiều khó khăn song thành phố Hà Nội sẽ không cắt giảm kinh phí, ngược lại sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới; đồng thời cũng sẽ đề nghị các quận tiếp tục hỗ trợ các huyện, thị xã trong công tác này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng tốc “về đích” nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.