(HNM) - Trong 2 năm gần đây, Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, chủ yếu thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), trong đó điển hình là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa ký kết cuối tháng 6-2019. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng, tăng tốc đầu tư nhằm xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.
Liên minh châu Âu (EU) là một trong những khu vực kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, với những quốc gia thành viên có tiềm lực tài chính, trình độ quản trị và công nghệ cao - công nghệ nguồn. Vì vậy, đây sẽ là nơi doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội được hưởng thuế suất thấp để nhập khẩu trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại khi có nhu cầu. Thông qua việc nhập khẩu công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thời cơ tiếp cận, tìm hiểu để từng bước làm chủ công nghệ mới, hiện đại. Từ đó tăng năng suất và chất lượng, nâng cao giá trị của sản phẩm...
Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, EU có thế mạnh về công nghệ, có bề dày trong hoạt động sáng tạo, nên sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường giao thương.
Hiện, EU là thị trường có sức mua cao, với hơn 500 triệu người tiêu dùng, nên sẽ là cơ hội tốt cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, đồ gỗ, da giày, thủy sản, cà phê... đều “có cửa” để thâm nhập thị trường này. Dự báo, nhờ EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Theo cam kết, 99% dòng thuế các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được xóa bỏ sau 7 năm EVFTA có hiệu lực. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, EVFTA là "đường cao tốc" để doanh nghiệp, hàng xuất khẩu Việt Nam hướng về thị trường này.
Nhưng, trong hành trình này sẽ có cả thuận lợi và khó khăn. Bởi, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, không đồng đều. Trong khi đó, EU là thị trường khó tính, luôn có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn chất lượng, quy định về lao động, sự an toàn của sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ; nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm...
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng: "Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp bị động trước việc tìm cách xuất khẩu tăng cường sang EU. Nếu không chủ động, thiếu sự chuẩn bị tốt thì cơ hội vẫn chỉ là cơ hội, thậm chí còn "lợi bất cập hại". Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, một số nước xung quanh chưa có FTA với EU, nên hàng xuất khẩu của ta được hưởng lợi thế áp đảo. Tuy nhiên, điều kiện thuận lợi này không thể là mãi mãi, do đó doanh nghiệp Việt cần tranh thủ thời gian, tăng tốc đầu tư để thâm nhập thị trường cũng như duy trì sức mạnh, mở rộng thị phần tại EU...".
Về phía doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland (chuyên chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội) chia sẻ: "Triển vọng xuất khẩu đồ gỗ có thể khả quan trong thời gian tới nhờ tác động từ EVFTA, với thuế suất 0%. Song, vấn đề là mỗi đơn vị phải chuẩn bị tốt, nắm bắt cơ hội cũng như đầu tư để bảo đảm chất lượng sản phẩm...".
Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH Minh Trí (chuyên xuất khẩu sản phẩm dệt may, Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, Hà Nội) cho biết: "Thị trường EU rộng lớn, có sức mua cao sẽ là cơ hội để doanh nghiệp dệt may gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Thông qua việc đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn cao của EU, đơn vị xuất khẩu sẽ có dịp chuyển biến, tập trung cho hoạt động đổi mới, sáng tạo, đầu tư cho công nghệ để phát triển trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng".
Ông Vũ Tiến Lộc cũng đưa ra khuyến nghị, doanh nghiệp trong nước không nên chỉ quan tâm đến việc gia tăng khối lượng xuất khẩu, mà còn phải chú trọng đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tập trung nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu để đạt hiệu quả tối đa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.