Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng tốc đề án sản xuất rau an toàn

Bạch Thanh| 27/08/2010 08:01

(HNM) - Thời gian qua, "Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) thành phố Hà Nội, giai đoạn 2009-2015" triển khai gặp nhiều khó khăn vướng mắc. UBND TP đã giao Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục BVTV Hà Nội, cơ quan thường trực tham mưu cho Sở hướng dẫn, phối hợp với các địa phương, đơn vị tích cực triển khai các nhiệm vụ trong đề án theo mảng được phân công. Sau một thời gian ráo riết thực hiện, đến nay đề án đang có bước chuyển biến khả quan.

Sản xuất rau an toàn tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. ảnh: Bá Hoạt

Còn nhiều nan giải

Theo Sở NN&PTNT: Thời gian đầu triển khai đề án còn quá chậm so với yêu cầu do vướng mắc trong việc lập dự án tại các địa phương, nguyên nhân do chậm thu hồi, GPMB làm cho các dự án chậm tiến độ. Công tác quy hoạch còn chậm (quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội chưa được phê duyệt, nên quy hoạch phát triển nông nghiệp chưa được hoàn chỉnh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở cho việc thực hiện các dự án đầu tư sản xuất và tiêu thụ RAT trên địa bàn Hà Nội). UBND các huyện còn lúng túng trong triển khai thực hiện đề án. Việc phối hợp giữa các huyện với các sở, ngành liên quan để triển khai công tác lập, thẩm định, trình duyệt dự án và tháo gỡ những vướng mắc phối hợp chưa chặt chẽ, thiếu cụ thể. Mặt khác, UBND các huyện chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai đề án. Các địa phương mới chỉ quan tâm tập trung chỉ đạo các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cho các vùng sản xuất RAT, chưa chú trọng công tác sản xuất sau đầu tư và chưa quan tâm đúng mức đến các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào lĩnh vực này. Cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho sản xuất và tiêu thụ RAT chậm được ban hành. Việc huy động các nguồn lực cho sản xuất và tiêu thụ chưa được quan tâm cụ thể. Công tác tuyên truyền thông tin đến người sản xuất và người tiêu dùng RAT cũng chưa được quan tâm đúng mức. Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng khẳng định, các địa phương còn lúng túng, chưa thật sự sâu sát và quyết liệt trong việc đề xuất phương án khắc phục, tháo gỡ khó khăn.

Tăng tốc để về đích đúng hẹn

Để hoàn thành mục tiêu đề án đến năm 2010 đạt 2.500ha RAT, ngay từ đầu năm 2010 Chi cục BVTV đã phối hợp với các địa phương rà soát, lựa chọn 96 vùng RAT trọng điểm thuộc 56 xã với tổng diện tích 2.626ha trong đó có 21 vùng thuộc các dự án đầu tư xây dựng vùng RAT tập trung với tổng diện tích 1.151ha để tập trung chỉ đạo, quản lý. Để sản xuất RAT phát triển bền vững và cung cấp sản phẩm rau chất lượng, Hà Nội xác định khâu sản xuất đóng vai trò quan trọng. Thông qua các lớp đào tạo, huấn luyện; thảo luận trên đồng ruộng; các mô hình thử nghiệm tiến bộ kỹ thuật... đã trang bị kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng cho nông dân về sản xuất RAT, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người sản xuất trong việc tuân thủ quy trình sản xuất RAT nhằm tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại những vùng RAT diện rộng, mỗi vùng ngành nông nghiệp Hà Nội đã cử 1 cán bộ kỹ thuật cắm chốt để hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát nông dân sản xuất RAT ngoài giờ, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Chi cục BVTV Hà Nội tăng cường triển khai trên 100 lớp đào tạo, huấn luyện và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân ở những vùng này như lớp IPM rau, lớp đào tạo ngắn hạn nâng cao, đào tạo nông dân nòng cốt, sử dụng phân vi sinh mới, thuốc BVTV mới… xây dựng các điểm mô hình giảm tối đa rủi ro thuốc BVTV cộng đồng, nhóm nông dân tự quản. Nhờ đó công tác sản xuất RAT trên diện rộng cơ bản đã đáp ứng yêu cầu.

Một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất RAT nằm ở khâu tiêu thụ, phân phối, lưu thông. Chi cục BVTV Hà Nội đã nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn và làm cầu nối để các doanh nghiệp liên kết với các địa phương tham gia vào quá trình sản xuất và tiêu thụ RAT tại các vùng RAT tập trung, điển hình như Công ty Tôn Kin liên kết tổ chức sản xuất RAT và rau hữu cơ tại các xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất (3ha) và xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ (50ha); Công ty Hương Cảnh liên kết sản xuất RAT theo VietGAP tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm với tổng diện tích 50ha… Tư vấn cho một số siêu thị, doanh nghiệp về vùng nguyên liệu và công tác quản lý chất lượng RAT như Siêu thị Metro, Siêu thị Fivimax, Công ty Sannam, Công ty CP Chất lượng quốc tế - SCS...

Để đẩy nhanh tiến độ đề án, đáp ứng nhu cầu bức thiết về thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng yêu cầu các ngành, các huyện phải tập trung chỉ đạo thật sát sao. Mỗi huyện phải chọn ít nhất 1 dự án để thực hiện. Các ngành và địa phương phải rà soát lại các cơ chế chính sách trong nội dung của đề án để giải quyết, đặc biệt là quan tâm tới hình thức tổ chức, xây dựng thương hiệu, tổ chức mạng lưới tiêu thụ, thu hút tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư. Sở KH-ĐT và Sở Tài chính sớm phân bổ nguồn lực để các doanh nghiệp sớm triển khai.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội để tiến độ đề án tạo tính đột phá đề nghị UBND TP sớm chấp thuận điều hòa, điều chỉnh mức đầu tư dự án RAT sử dụng nước mặt và nước ngầm về chung một mức để tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư trong quá trình lập dự án. Đối với một số dự án của doanh nghiệp có đưa ra một tỷ lệ diện tích để thực hiện các công trình phụ trợ cho sản xuất RAT (giới thiệu sản phẩm, dịch vụ sinh thái… chiếm khoảng 20% diện tích) nhưng còn gặp vướng mắc về cơ chế thu hồi và giải phóng mặt bằng, UBND thành phố cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng tốc đề án sản xuất rau an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.