Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng tốc cắt giảm thủ tục hành chính

Hà Phong| 11/08/2018 06:53

(HNM) - Tính đến hết tháng 7-2018, mới có 616/9.339 danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành của các ngành Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Y tế được cắt giảm, đơn giản hóa.


“Việc cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh chỉ thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp khi hoạt động rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh được tiến hành thường xuyên” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết khi trao đổi với báo chí về tiến độ cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

(Ảnh minh họa: KT)


Cụ thể, theo ông Mai Tiến Dũng, mới có 616/9.339 danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành của các ngành Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Y tế đã cắt giảm, đơn giản hóa (đạt 6,6%). Có 1.249 danh mục (13,3%) dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm, nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông - Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công an. Nhìn chung, tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành đạt thấp so với yêu cầu đặt ra (19,9%).

Về đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đến nay đã chính thức cắt giảm được 900/5.905 điều kiện kinh doanh (15,2%) của các ngành: Công Thương, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông. Còn 2.363 điều kiện kinh doanh (40%) đã có phương án tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của nhiều bộ…

Đáng lưu ý, dù hàng trăm danh mục sản phẩm hàng hóa, điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, nhưng nhiều phương án cắt giảm được đưa ra chưa được áp dụng trên thực tế. Qua phản ánh của hiệp hội, doanh nghiệp, chất lượng của các phương án cắt giảm vẫn còn nhiều bất cập; thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh vẫn còn phiền hà, tốn kém thời gian và phát sinh chi phí. Đơn cử như theo phản ánh của một công ty ở TP Hồ Chí Minh, mặc dù doanh nghiệp đã thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm nhưng lại “vướng” Thông tư 24/2017/TT-BNN&PTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên hàng hóa vẫn lưu tại cảng hơn 80 ngày.

Chưa kể, Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa còn diễn ra ở nhiều nơi. Điển hình là phản ánh về 20 vụ việc tiêu cực đã được Tổ công tác chuyển đề nghị Bộ Tài chính xem xét xử lý theo thẩm quyền. Trong đó, phần lớn liên quan đến cán bộ, công chức hải quan nhận tiền bồi dưỡng trong quá trình thực thi công vụ, gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định: "Trước đây, chúng ta đã rất quyết liệt cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính khi Luật Doanh nghiệp ra đời năm 2000. Tuy nhiên, một thời gian sau, các điều kiện kinh doanh thi nhau “mọc” ra. Theo ông Vũ Tiến Lộc, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để không “đẻ” thêm các điều kiện kinh doanh mới.

Ở góc nhìn khác, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu quan điểm, hoạt động rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh của các bộ thời gian tới cần được tiếp tục đẩy mạnh và rà soát một cách toàn diện, cả ở cấp nghị định và luật. Tránh để xảy ra hiện tượng “biến tướng” của điều kiện kinh doanh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tốc cắt giảm thủ tục hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.