Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá - Phương án nào tối ưu?

Hương Thủy| 22/08/2022 07:23

(HNM) - Chính phủ có chủ trương tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Trong bối cảnh cơ chế thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này đang bộc lộ không ít hạn chế, nhiều chuyên gia đã đề xuất nhiều phương thức đánh thuế nhằm hài hòa các mục tiêu, đồng thời tăng cường xử lý thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam.

Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vừa thu giữ số thuốc lá nhập lậu lên đến hơn 16 nghìn bao.

Nghiên cứu phương thức thuế hỗn hợp

Theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược cải cách thuế đến năm 2030, có quy định: “Xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”. Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải điều chỉnh tăng mức điều tiết thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá theo mục tiêu tại Quyết định số 508/QĐ-TTg. Phương pháp tính thuế nên áp dụng với thuế suất theo tỷ lệ tương đối và mức thuế tuyệt đối (phương pháp hỗn hợp) như nhiều nước trên thế giới.

Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) Lê Thị Thùy Vân, Việt Nam mới chỉ áp dụng phương thức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá theo tỷ lệ phần trăm. Phương thức này đang bộc lộ nhiều hạn chế, như: Không theo kịp tốc độ lạm phát, khuyến khích sự gia tăng thuốc lá giá rẻ sẵn có trên thị trường; từ đó, gia tăng khả năng tiếp cận và hút thuốc lá đối với thanh, thiếu niên. Trong khi đó, phương thức đánh thuế theo mức tuyệt đối, đặc biệt là phương thức đánh thuế hỗn hợp hiện đang được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia do lợi ích mang lại của phương pháp này. Vị chuyên gia này khuyến nghị, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp cần có lộ trình để bảo đảm số thuế tuyệt đối tăng qua các năm cần tương ứng với tốc độ lạm phát.

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cũng đưa ra quan điểm, việc tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá nên có lộ trình để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có thể điều chỉnh, vừa đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa hạn chế thuốc lá lậu, tránh thất thu thuế, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. “Chúng tôi đề xuất phương án, hai năm đầu thực hiện phương pháp tính thuế hỗn hợp - tương đối và tuyệt đối, bên cạnh thuế suất 75% có thể tăng thêm mức thuế tuyệt đối từ 1.000 đồng/bao; tiếp đến sẽ nâng dần theo lộ trình 2 năm từ 1.000 đồng/bao lên 1.500 đồng/ bao. Từ năm thứ 5 sẽ điều chỉnh tăng 2.000 đồng/bao”, bà Nguyễn Thị Cúc nói.

Còn Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và Tư vấn PwC Việt Nam Đinh Thị Quỳnh Vân cho hay, trong 3 phương thức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt hiện phổ biến trên thế giới, số quốc gia chọn đánh thuế tuyệt đối nhiều nhất (66 quốc gia), tiếp đến là thuế hỗn hợp (61 quốc gia) và thuế theo tỷ lệ phần trăm (47 quốc gia). So với gần 15 năm trước (năm 2008), cách tính thuế hỗn hợp có sự gia tăng về số quốc gia chọn lựa. 

Bài toán chống thuốc lá lậu

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân cũng nhìn nhận, cần tăng thuế có lộ trình, minh bạch, mức tăng nên cao hơn tỷ lệ lạm phát. Đặc biệt, cần lưu ý bài học từ một số nước, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, nạn thuốc lá lậu, thuốc lá bất hợp pháp tràn lan, khiến ngân sách thất thu, không đạt mục đích giảm lượng người hút thuốc và gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là một công cụ, nhưng có thể nạn buôn lậu cũng tăng theo. Ngoài ra, chính sách thuế còn phải nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đối với môi trường và người không hút thuốc. Chính sách thuế phải bảo đảm giúp cho doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp duy trì và phát triển sản xuất, cung ứng sản phẩm chất lượng cao hơn. Vì vậy, song song với việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp (tương đối và tuyệt đối), phải hạn chế và quyết liệt đẩy lùi nạn buôn lậu. Đồng thời, Chính phủ cần quyết liệt thúc đẩy các giải pháp phi thuế để định hướng thị trường, tăng chất lượng sản phẩm, như gây khó nhiều hơn cho người hút thuốc lá, tiếp tục thu hẹp các địa điểm được hút thuốc lá; xử phạt hành chính mạnh hơn đối với người vi phạm quy định cấm hút thuốc; tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá.

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Hồ Lê Nghĩa cho biết, thuốc lá lậu hiện là một vấn nạn trầm trọng ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, nên việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần cân nhắc hài hòa giữa điều tiết nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển sản xuất. “Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu lộ trình tăng thuế, mức độ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá một cách phù hợp do điều kiện thị trường Việt Nam có nhiều phân khúc giá khác nhau, tránh tạo ra cơ hội cho thuốc lá lậu gia tăng dẫn đến thất thu thuế”, ông Hồ Lê Nghĩa bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá - Phương án nào tối ưu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.