Cùng với việc đàm phán với Hoa Kỳ về thương mại và thuế đối ứng, các bộ, ngành, địa phương phải có ngay giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó, khắc phục khó khăn.
Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp thứ 4 của Thường trực Chính phủ về ứng phó với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, diễn ra ngày 10-4.
Thực tế, ngay sau khi Hoa Kỳ công bố thuế đối ứng áp dụng với hàng hóa nhập khẩu, Việt Nam đã chủ động có biện pháp ứng phó. Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm trực tiếp với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đề xuất đưa thuế quan về 0%. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì nhiều cuộc họp bàn giải pháp ứng phó với chính sách thuế quan mới, bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo vệ cộng đồng doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã sang Hoa Kỳ, với tư cách là đặc phái viên của Tổng Bí thư, gặp gỡ quan chức thương mại, tài chính Hoa Kỳ, “mở ra cánh cửa” đàm phán về thuế quan giữa hai nước.
Cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm, các cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành về vấn đề này hay việc nghiên cứu có ngay giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã mang lại niềm tin, tạo thêm sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là lúc để Việt Nam chuyển mình, bứt phá, vươn lên nếu có hành động quyết liệt và đúng hướng. Đó là đa dạng thị trường xuất khẩu với 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết cũng như nhiều hiệp định khác đang được đàm phán; đẩy mạnh tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là trọng tâm; phát triển thị trường trong nước bằng các chương trình kích cầu, tạo ra nền kinh tế khép kín, bền vững trước những biến động bên ngoài. Đó là Nhà nước kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh; cộng đồng doanh nghiệp chủ động bắt kịp xu hướng phát triển, chuyển sang làm chủ, bán giá trị sáng tạo, đóng góp thực chất vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Vì thế, câu chuyện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, có lẽ không chỉ là nhằm ứng phó với chính sách thuế quan mà còn kiến tạo cho sự phát triển của doanh nghiệp, của quốc gia.
Về giải pháp hỗ trợ, người đứng đầu Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể. Trước hết là nghiên cứu, đề xuất miễn, giảm thuế, phí để trình Quốc hội xem xét ngay tại kỳ họp tháng 5 tới; tăng đầu tư công nhằm giải phóng nguồn lực của nền kinh tế và tạo việc làm; tiếp tục ổn định tỷ giá, bảo đảm ngoại tệ cho xuất, nhập khẩu, dự trữ ngoại hối, tiếp tục giảm lãi suất và triển khai các gói tín dụng tiêu dùng nội địa…
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại yêu cầu giảm ít nhất 30% chi phí, điều kiện kinh doanh, tăng phân cấp, phân quyền; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng; rà soát nhóm lao động bị ảnh hưởng, không để xảy ra tình trạng thất nghiệp.
Giải pháp hỗ trợ nhanh, mạnh và thực chất cũng là mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp. Cắt giảm chi phí và điều kiện kinh doanh có lẽ không dừng ở 30% mà có thể nhiều hơn. Thủ tục hành chính đơn giản và dễ hiểu hơn. Lãi suất giảm thực chất, ưu đãi thực chất để doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển sang làm chủ thay vì làm thuê. Làm thế nào để tham gia sâu hơn vào thị trường mới cũng là điều doanh nghiệp cần có sự dẫn dắt… bởi câu chuyện hỗ trợ không chỉ để ứng phó mà còn hướng tới những thay đổi căn bản mang tính bứt phá.
Thực hiện đa dạng các giải pháp hỗ trợ, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có thêm sức mạnh để ứng phó với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững nền kinh tế quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.