(HNM) - Những ngày này, trên địa bàn Thủ đô có rất nhiều triển lãm, trưng bày chuyên đề giới thiệu những tài liệu, hiện vật, hình ảnh giá trị, giúp người xem thấy được không khí sôi nổi trong phạm vi cả nước và Thủ đô Hà Nội vào ngày Quốc khánh cách đây 70 năm. Đây là dịp tốt để tìm hiểu lịch sử cũng như khơi dậy
Số nhà 48 Hàng Ngang |
Lời gợi ý cho du lịch về nguồn
Tại Số nhà 48 Hàng Ngang, Ban Quản lý Di tích và danh thắng Hà Nội đã tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề "Ngôi nhà 48 Hàng Ngang - Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập", giới thiệu 80 hình ảnh, tài liệu, hiện vật. Trưng bày một lần nữa khắc ghi công lao của các chiến sĩ cộng sản kiên cường, các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã trọn đời hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam diễn ra triển lãm chuyên đề "Dấu ấn mùa Thu lịch sử". Trong 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật quý trưng bày tại triển lãm, có nhiều tài liệu, hình ảnh, hiện vật lần đầu tiên ra mắt khán giả như ví da của đồng chí Phan Quang Hiền - Đội viên Đội Cứu quốc quân đã sử dụng để đựng thư liên lạc của các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Đào Văn Trường trong quá trình chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; tay nải mà chị Lê Thị Thọ ở Thái Nguyên dùng để tiếp tế gạo cho cơ quan Trung ương Đảng năm 1945; Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân cả nước trước ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 kêu gọi đoàn kết cùng Mặt trận Việt Minh giải phóng dân tộc... Còn tại Bảo tàng Hà Nội diễn ra các triển lãm chuyên đề "70 năm xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh", "Hà Nội - Những dấu ấn lịch sử cách mạng kháng chiến"...
Những hoạt động ý nghĩa trên được tổ chức tại những điểm đến được du khách trong và ngoài nước biết tới này không chỉ đem lại thông tin có tác dụng giáo dục truyền thống, mà còn là lời mời gọi ngành du lịch mở tour ngắn ngày với chủ đề về nguồn, một mảng việc rõ tiềm năng nếu biết khai thác một cách chủ động, sáng tạo.
Thoát ly tâm lý "chờ khách"
Muốn các di tích cách mạng, kháng chiến và hệ thống bảo tàng chuyên ngành liên quan đến lịch sử dân tộc phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến có sức hút cao thì tự thân những địa chỉ này phải nâng cao hiệu quả trưng bày. Theo ông Đặng Văn Biểu, Phó Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, trung bình mỗi ngày có khoảng 500 khách tham quan di tích này; vào ngày cao điểm, lượng khách có thể lên tới 1.500 người. Có được kết quả này là nhờ những năm gần đây Ban Quản lý di tích đã có đổi mới đáng kể về việc trưng bày hiện vật cũng như tăng cường tuyên truyền, quảng bá di tích. Cụ thể, ngoài hệ thống trưng bày thường xuyên, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày chuyên đề cả cố định lẫn lưu động như "Kiên trung bất khuất trong ngục tù đế quốc"; "Một thời để nhớ; Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam", "Chuyện kể về những vị tướng từng bị giam trong nhà tù thực dân"; "Những thế hệ tù chính trị Hỏa Lò với Thủ đô Hà Nội"... Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò còn tổ chức các cuộc giao lưu, mời nhân chứng lịch sử tới kể chuyện; tổ chức thi tìm hiểu về di tích cho đoàn viên, học sinh, sinh viên của các cơ quan, đơn vị, nhà trường trên địa bàn Thủ đô. Ban Quản lý cũng phối hợp với các công ty du lịch để đưa di tích này vào danh mục tour, đồng thời kết hợp với các ngành liên quan làm phim giới thiệu, quảng bá di tích.
Tuy vậy, điều đáng nói là trong số gần 300 di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến trên địa bàn Thủ đô, số di tích thu hút nhiều du khách như Nhà tù Hỏa Lò hiện chưa có nhiều, điều đó đồng nghĩa với việc lãng phí tài nguyên du lịch. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tours khẳng định: "Chúng ta chưa có quy hoạch xây dựng các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến thành điểm du lịch đúng nghĩa, nhiều nơi chưa có bãi đỗ xe, chưa có hướng dẫn viên. Chính vì thế, ít có công ty du lịch đưa các điểm di tích này vào tour để chào bán rộng rãi".
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch, một trong những cách để vừa thu hút khách du lịch vừa dạy lịch sử hiệu quả cho học sinh là đưa di tích cách mạng đến gần trường học hơn nữa. Phương pháp này giúp các em có hiểu biết thực tế sinh động, đồng thời giáo dục cho các em lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Di tích nói chung, di tích cách mạng, kháng chiến nói riêng và du lịch có mối quan hệ tương hỗ. Di tích tạo tiền đề cho du lịch phát triển, doanh thu từ du lịch góp phần phục vụ việc bảo tồn di tích. Để khách tham quan đến với di tích ngày càng đông thì không chỉ các đơn vị lữ hành cố gắng, mà các cơ quan quản lý di tích cũng cần có sự vận động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Sự vận động đó dựa trên quan điểm đổi mới phương pháp hoạt động, chuyển từ tâm lý "chờ khách" sang chủ động mời gọi, quảng bá nét hay, đẹp của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.