Thời gian gần đây, du lịch sinh thái nông nghiệp đã góp phần thu hút du khách với nhiều sản phẩm phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa vùng, miền. Tuy nhiên, để du lịch sinh thái nông nghiệp trở thành dòng sản phẩm, các tour, tuyến có sức hấp dẫn, các địa phương và các doanh nghiệp lữ hành cần liên kết chặt chẽ hơn.
Từ những mô hình thành công
Cuối tháng 8-2023, đoàn công tác do Sở Du lịch Hà Nội chủ trì đã đi khảo sát, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình tại các tỉnh, thành phố miền Trung: Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam. Đây là các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đều là những điểm sáng của du lịch cả nước với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc thù.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có một số mô hình trải nghiệm du lịch sinh thái nông nghiệp đã được công nhận là điểm du lịch, tạo sức hút với du khách, như: Nhà vườn Lương Biểu, phá Tam Giang với các tour du lịch khám phá đời sống của ngư dân, rừng đước nguyên sinh, ngắm chiều hoàng hôn và ẩm thực đậm đà bản sắc địa phương.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Phước Nhật khẳng định, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang mang lại nguồn thu cho địa phương, bên cạnh dòng sản phẩm truyền thống là du lịch văn hóa, di sản.
“Các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp cách trung tâm thành phố Huế không xa, rất thuận lợi để du khách tham quan, trải nghiệm với cảm xúc khác nhau”, ông Hoàng Phước Nhật cho biết.
Còn Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Tán Văn Vương thông tin, UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2025.
Theo đó, thành phố Đà Nẵng sẽ xây dựng 15 mô hình thí điểm. Các loại diện tích đất được thực hiện mô hình thí điểm gồm: Đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất rừng sản xuất. Việc thí điểm đề án sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển, hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù của Đà Nẵng.
Tỉnh Quảng Nam với vùng lõi là Di sản phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn cũng là điểm đến thu hút nhiều khách quốc tế, từ đầu năm 2023 đến nay tỉnh này đón gần 5 triệu lượt khách.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Nam Văn Bá Sơn cho biết, nhiều sản phẩm du lịch như trải nghiệm rừng dừa bảy mẫu, du lịch cộng đồng tại làng chài Cửa Khe... đang được các du khách Hàn Quốc, châu Âu lựa chọn. “Sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp đang bổ trợ cho sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, góp phần làm phong phú thêm hoạt động trải nghiệm của du khách”, ông Văn Bá Sơn chia sẻ.
Góp phần tạo động lực phát triển kinh tế
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Ngày 2-8-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Chương trình này là cơ sở để các địa phương có kế hoạch riêng xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù, phù hợp.
Đưa ra những bài học xây dựng du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới cho Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam có nhiều thuận lợi về giao thông, đã tạo được liên kết du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn đều có vị trí thuận lợi, chỉ cách vùng lõi du lịch trọng điểm vài kilômét, thuận tiện để du khách trải nghiệm. Với Hà Nội, cái khó là địa bàn rộng, kết nối du lịch giữa nội thành và ngoại thành còn hạn chế nên chưa tạo được sản phẩm tour hấp dẫn.
Để du lịch sinh thái nông nghiệp Hà Nội hiệu quả, ông Nguyễn Văn Chí cho rằng, mỗi địa phương cần xây dựng sản phẩm phù hợp với đặc trưng, tránh trùng lặp. Các địa phương cần có sự liên kết để tạo ra sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp hấp dẫn, chẳng hạn nơi mạnh lưu trú liên kết với nơi có nhiều hoạt động trải nghiệm.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Vũ Hán đề xuất, các địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, đào tạo người dân cùng tham gia làm du lịch nông nghiệp.
Còn Trưởng phòng Văn hóa, thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc bày tỏ, quy hoạch cần rõ ràng hơn cho từng vùng phát triển du lịch nông nghiệp, để có cơ chế phù hợp cho sử dụng đất và định hướng người dân làm các mô hình.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu khẳng định, chuyến công tác giúp Hà Nội nhận diện rõ hơn từng mô hình phù hợp để áp dụng. Sở Du lịch tiếp tục khảo sát mô hình tại các huyện, từ đó sẽ báo cáo, tham mưu với thành phố để xây dựng đề án phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn hiệu quả hơn, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế địa phương nói riêng và tăng sức hấp dẫn cho du lịch Hà Nội nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.