(HNM) - Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, trong những ngày nắng nóng vừa qua, tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, lượng bệnh nhi đến khám tăng đột biến. Các bệnh thường gặp ở trẻ thời điểm này chủ yếu liên quan đến hệ hô hấp, như: Viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản… Chính vì vậy, việc tăng cường sức đề kháng đúng cách là vô cùng quan trọng để giúp trẻ có sức khỏe tốt hơn, chống đỡ với tác nhân gây bệnh.
Số trẻ nhập viện gia tăng
Thời điểm hiện tại, trung bình Khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Hà Nội) tiếp nhận hơn 200 bệnh nhi/ngày (tăng khoảng 200% so với thời điểm tháng 3 và tháng 4-2022; tăng 20-30% so với cùng kỳ mọi năm khi chưa có dịch Covid-19).
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Hà Nội) cho biết, do năm nay thời tiết thay đổi thất thường, trong khi trẻ có sức đề kháng kém, khó thích nghi nên dễ mắc bệnh. Các bệnh thường gặp là viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, tay chân miệng...
“Khi con bị ốm, các phụ huynh thường sử dụng lại đơn thuốc cũ hoặc nghe các mẹ mách nhau ra hiệu thuốc mua và cho con uống. Làm như vậy không giúp con khỏi, thậm chí có lúc còn khiến bệnh nặng hơn. Đặc biệt, cho trẻ dùng kháng sinh tùy tiện trước khi đến bệnh viện sẽ gây khó cho việc điều trị sau này. Ngoài ra, một số bệnh nhi có cơ địa dị ứng, suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, béo phì… sau khi mắc Covid-19 rồi lại mắc viêm phổi cũng gây khó khăn trong điều trị. Cùng với các bệnh liên quan đến hô hấp, tại đây cũng tiếp nhận nhiều trẻ mắc tay chân miệng, trung bình 10-15 ca/ngày. Tuần qua, bệnh viện cũng điều trị cho khoảng 5-7 trường hợp mắc cúm A”, bác sĩ Nguyễn Thị Anh Xuân nói.
Tương tự, trong hơn một tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhi đến khám, điều trị tại Khoa Nhi và Đơn nguyên sơ sinh (Bệnh viện Thanh Nhàn) cũng tăng đột biến, khoảng 150-200% so với 2 tháng trước. Phần lớn trẻ nhập viện đều mắc các bệnh lý đường hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi và các bệnh tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết..., trong đó có trẻ mới 2-3 tháng tuổi đã bị ho, viêm phổi nặng phải thở ô xy. Số lượng trẻ bị sốt, nôn, nhiễm khuẩn tiêu hóa, tay chân miệng, cúm A... tại Khoa cấp cứu Nội - Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) cũng gia tăng, trong đó 90% bé có tiền sử mắc Covid-19.
Những ngày gần đây, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi trung ương cũng tiếp nhận khoảng 4.000-5.000 bệnh nhi/ngày, liên quan đến các bệnh đường hô hấp và đường tiêu hóa. Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoàn, Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa của Bệnh viện cho hay, cứ vào mùa nắng nóng, số lượng bệnh nhi đến khám lại tăng lên. Đây cũng là một trong những thời điểm có lượng bệnh nhân cao nhất trong năm.
Hiểu đúng và đủ về tăng sức đề kháng
Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, nhiều phụ huynh đã cho con sử dụng tùy tiện các loại thuốc bổ, vitamin, thực phẩm chức năng… Theo bác sĩ Nguyễn Thị Anh Xuân, trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ, cơ thể trẻ có cơ chế hấp thu và thải trừ thuốc không như người lớn, thậm chí rất dễ ngộ độc. Do đó, việc cho trẻ sử dụng các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng không đúng cách cũng rất nguy hại. Với những trẻ phát triển bình thường, chỉ cần bổ sung dinh dưỡng, vitamin đầy đủ qua các bữa ăn hằng ngày mà không cần phải tăng cường vi chất từ các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng. Còn với những trẻ có thể trạng gầy yếu, suy dinh dưỡng…, việc bổ sung vi chất cần có sự tư vấn của bác sĩ về nhi khoa.
“Tại bệnh viện chúng tôi, nếu nghi ngờ trẻ thiếu sắt, thiếu vitamin sẽ cho tiến hành xét nghiệm sắt, huyết thanh, máu, canxi, vitamin A… Khi đó sẽ biết được trẻ thiếu vi chất gì để bổ sung và cần bổ sung loại nào, bổ sung bao nhiêu, trong thời gian bao lâu. Biện pháp an toàn nhất để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ là cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thông qua các thực phẩm mà trẻ ăn hằng ngày, như: Rau, củ quả tươi, thịt cá, trứng sữa…
Ngoài ra, khi thấy trẻ bị sốt mà không thể hạ sốt hay trẻ bị mệt mỏi nhiều, nôn ói, khó thở, bỏ ăn, tiêu chảy… cần đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu trẻ ho, sốt chỉ nên sử dụng sirô ho thảo dược, thuốc hạ sốt thông thường…”, bác sĩ Nguyễn Thị Anh Xuân lưu ý.
Còn theo khuyến cáo của bác sĩ Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, trẻ nên được học và giữ thói quen tự vệ sinh cơ thể sạch sẽ, thường xuyên. Việc cho trẻ đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, rửa tay sạch bằng xà phòng sát khuẩn, giữ gìn vệ sinh cá nhân sẽ hạn chế bị lây bệnh do các tác nhân từ bên ngoài. Đặc biệt, giấc ngủ có vai trò quan trọng với sức khỏe và sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Hệ miễn dịch của trẻ cũng sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu trẻ ngủ đủ giấc, đúng giờ hằng ngày. Thêm vào đó, trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm nguy cơ biến chứng nặng khi mắc bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.