(HNM) - Sau một thời gian tạm lắng, vấn đề Bắc Cực lại trở thành chủ đề nóng của dư luận thế giới khi ngày 12-5, lần đầu tiên 8 nước thành viên Hội đồng Bắc Cực gồm Nga, Na Uy, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Thụy Điển và Mỹ cùng tham dự cuộc họp tại Nuuk, thủ phủ của vùng tự trị Greenland thuộc quyền quản lý của Đan Mạch.
Tuy nhiên, khác với những tranh cãi xung quanh việc phân chia chủ quyền vùng đất băng giá thường thấy trong thời gian qua, mục đích của hội nghị tại Nuuk đã đạt được những bước đi mới để thiết lập một cơ chế hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, khai thác dầu mỏ, đối phó với biến đổi khí hậu... Đây có thể sẽ là một động thái giúp giải tỏa những căng thẳng giữa các bên trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở khu vực giàu tiềm năng này.
Những năm gần đây, cùng với sự ấm lên của khí hậu toàn cầu, hiện tượng tan băng ở Bắc Băng Dương đang gây ra nhiều mối lo ngại lớn về môi trường nhưng đồng thời cũng mở ra những cơ hội không thể bỏ qua về kinh tế. Theo các nhà kinh tế thế giới, năng lượng dự trữ tiềm ẩn của Bắc Cực là rất lớn, với dầu thô khoảng từ 100 tỷ đến 200 tỷ thùng, tức vào khoảng 30% trữ lượng dầu mỏ thế giới. Lượng khí thiên nhiên ở đây cũng rất dồi dào, khoảng từ 50.000 tỷ đến 80.000 tỷ mét khối. Vì thế "biệt danh" là "Trung Đông thứ hai" đang ngày càng trở thành "thương hiệu" của Bắc Cực. Đây là lý do khiến miền cực Bắc của thế giới đã chuyển từ "kỷ nguyên nghiên cứu khoa học" thành "kỷ nguyên của tranh chấp về quyền lực cũng như quyền lợi" nhất là trong bối cảnh năng lượng trở thành một bộ phận cấu thành của an ninh toàn cầu. Ngoài ra, nếu Bắc Cực tan băng với tốc độ hiện nay thì trong 10 năm tới khu vực này sẽ mở ra những con đường hàng hải cực kỳ chiến lược, thậm chí có thể trở thành một hành lang kinh tế mới của thế giới.
Thật dễ hiểu vì sao hương vị của "miếng bánh" Bắc Cực lại hấp dẫn đến mức các văn bản pháp luật chưa chắc đã có thể ngăn chặn được các quốc gia ôm tham vọng trở thành bá chủ tại khu vực băng giá này của thế giới. Điều này phần nào cũng lý giải thái độ "sốt sắng" của Washington đối với hội nghị tại Nuuk.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.