Lương - Bảo hiểm

Tăng lương cơ sở, lương hưu:Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực cho sự phát triển

Vũ Minh 24/06/2024 - 21:11

Sau thông tin tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, tăng lương hưu 15% được công bố, cùng với niềm vui, một số người bày tỏ lo lắng về khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm thụ hưởng ngày càng lớn.

Về nội dung này, các cơ quan chức năng khẳng định, việc tăng lương hưu, lương cơ sở bảo đảm công bằng, hài hòa giữa các nhóm hưởng; đồng thời tạo động lực cho sự phát triển.

Mức tăng cao nhất từ trước đến nay

Ngày 24-6, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, theo đề xuất của Chính phủ, dự kiến, từ ngày 1-7-2024, mức lương hưu và trợ cấp BHXH được điều chỉnh tăng 15%. Khi đề xuất này được thông qua, đây sẽ là mức tăng ấn tượng nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, theo Điều 57 của Luật BHXH hiện hành: “Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH”. Trong khi đó, theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, năm 2023, mức tăng trưởng kinh tế ở nước ta đạt 5,05%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,25%. Năm 2024, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt mức trên 6% và chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức dưới 4%.

Như vậy, việc đề xuất điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH 15% là mức tăng cao so với chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

nh-1-3-3-.jpg
Mức lương hưu dự kiến được điều chỉnh tăng mang cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống cho người thụ hưởng. Ảnh: Hà Hiền

Đáng chú ý, ngoài khoản tiền lương tăng, người hưởng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để được hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do Quỹ BHYT chi trả với mức hưởng lên tới 95%.

Đối với những người chưa đến tuổi nghỉ hưu, họ cũng có cơ hội nhận về mức tiền lương hưu tăng trong tương lai khi mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên, từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, dự kiến từ tháng 7 tới. Bởi vì, lương cơ sở là căn cứ để tính toán mức lương làm căn cứ đóng BHXH của hàng triệu người hưởng lương do ngân sách nhà nước chi trả (cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang…). Mức đóng BHXH tăng, tất yếu mức hưởng các chế độ BHXH tăng.

Với trường hợp người lao động đóng BHXH thấp, ở mức tối thiểu, thì căn cứ theo Luật BHXH hiện hành, lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng lương cơ sở. Điều này đồng nghĩa, mức lương hưu tối thiểu của người thụ hưởng sẽ là 2,34 triệu đồng/tháng.

Về chế độ bảo hiểm thất nghiệp, theo Luật Việc làm, mức trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước nghỉ việc, tối đa không quá 5 lần lương cơ sở với công chức, viên chức, lao động khu vực nhà nước. Như vậy, khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng, thì trợ cấp thất nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức tối đa sẽ là 11,7 triệu đồng.

Với số tiền tăng lên tới 540.000 đồng (tương ứng với 30%), lương cơ sở cũng có mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Cả hai chế độ tiền lương dự kiến cùng tăng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người lao động. Đó cũng là minh chứng sống động, rõ nét cho thấy sự hấp dẫn của chính sách BHXH với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an sinh cho nhân dân.

Tạo động lực cho sự phát triển

Việc tăng lương cơ sở được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về tiền lương, an sinh xã hội khẳng định, quyết định này giúp cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp, góp phần tạo động lực để người lao động nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc; đồng thời, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

nh-5.jpg
Lương cơ sở tăng tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức yên tâm làm việc, cống hiến. Ảnh: Hà Hiền

Nhìn rộng hơn, các nội dung của cải cách chính sách tiền lương và tăng mức lương cơ sở 30% tạo đà thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, bảo đảm khả năng chi trả của ngân sách nhà nước giai đoạn 2024-2026.

Về đề xuất tăng lương hưu 15%, các bên đã tính toán, cân nhắc phù hợp với khả năng đóng góp của doanh nghiệp, người lao động, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH. Thế nên, nguồn quỹ BHXH vẫn có thể bảo cân đối trong dài hạn.

Trước một số ý kiến bày tỏ sự lo ngại về mức lương hưu được điều chỉnh tăng cao nhất từ trước đến nay dẫn đến khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm thụ hưởng ngày càng nới rộng, BHXH Việt Nam khẳng định, mức tăng này bảo đảm công bằng, hợp lý, hài hòa giữa người hưởng lương khu vực nhà nước, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, trợ cấp bảo trợ xã hội, người hưởng lương hưu với người lao động đang làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Dự kiến, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp cũng được điều chỉnh tăng 6% từ ngày 1-7- 2024.

nh-6.jpg
Mức điều chỉnh tăng lương bảo đảm hài hòa, không làm nới rộng khoảng cách chênh lệch giữa người thụ hưởng khối nhà nước và doanh nghiệp. Ảnh: Hà Hiền

Đón nhận thông tin tăng lương, các nhóm thụ hưởng đều phấn khởi. Anh Nguyễn Quang Tuấn, trú tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết: “Mức lương dành cho viên chức mà tôi nhận được sau hơn 10 năm công tác tại một cơ quan nhà nước thời gian qua là hơn 7 triệu đồng/tháng, nên cuộc sống còn khó khăn. Từng có những thời điểm, tôi nghĩ đến phương án “bỏ việc nhà nước” để ra ngoài làm, với mong muốn tìm cơ hội tăng thu nhập. Nay đón nhận thông tin tăng lương tới 30%, đồng nghĩa lương của tôi sẽ tăng lên hơn 10 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, tôi hoàn toàn yên tâm làm việc, cống hiến”.

Đối với người nghỉ hưu, bà Lê Thị Vân Anh, trú tại phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) chia sẻ: “Nguồn chi tiêu phục vụ cuộc sống của đa số người nghỉ hưu phụ thuộc chủ yếu vào khoản tiền lương hưu nhận về hằng tháng. Do đó, số tiền nhận về tăng, thì chất lượng cuộc sống của người thụ hưởng cũng có cơ hội tăng”.

Mừng hơn, công cuộc cải cách tiền lương với mức điều chỉnh tăng chưa từng có trong lịch sử tăng lương mang lại niềm tin, ý thức trách nhiệm tích lũy an sinh cho những lao động trẻ. Chị Trần Phương Anh (24 tuổi), trú tại phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) bày tỏ: “Chứng kiến nhiều người hưởng lương hưu có cuộc sống an yên, vui vẻ, ít phải phụ thuộc vào con cháu, tôi cũng mong được như thế. Vì vậy, ngay từ bây giờ, tôi lựa chọn làm việc tại những cơ quan, đơn vị thực hiện đầy đủ chính sách BHXH cho người lao động, bảo đảm chắc chắn về già tôi sẽ có lương hưu”.

Qua những dẫn chứng nêu trên thấy rõ, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan chức năng luôn quan tâm bảo đảm đời sống, an sinh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người nghỉ hưu và người thụ hưởng các chính sách an sinh khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng lương cơ sở, lương hưu: Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực cho sự phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.