Từ ngày 1-7-2025, Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ dichvucong.gov.vn chính thức trở thành cổng duy nhất cấp tỉnh, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trong mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên toàn quốc.
Một trong những ưu điểm nổi trội là việc sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia cho phép người dân, tổ chức nộp hồ sơ tại bất kỳ Trung tâm Phục vụ hành chính công nào trong cùng một tỉnh hoặc Điểm phục vụ hành chính công cấp xã, không phụ thuộc nơi cư trú, cơ quan, hay nơi cấp giấy tờ lần đầu.
Nhờ tích hợp sâu các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai…; hệ thống có thể tự động điền thông tin sẵn có, giảm yêu cầu bản sao giấy tờ, thậm chí tiến tới không cần nộp giấy tờ cho nhiều thủ tục hành chính. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng tính tiện lợi, đặc biệt tại các địa phương có địa bàn rộng, giao thông khó khăn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia bước đầu còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Báo cáo mới đây của Chính phủ đã chỉ ra rằng, hạ tầng kỹ thuật còn thiếu, yếu, chất lượng chưa bảo đảm; hệ thống thông tin còn chưa ổn định, có trường hợp thường xuyên gặp lỗi chậm, lỗi treo và dữ liệu thiếu kết nối, chia sẻ, đồng bộ, liên thông..., ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi. Một số địa phương còn lúng túng trong tổ chức thực hiện, thiếu nhân lực công nghệ thông tin chuyên trách, trong khi khối lượng công việc phát sinh lớn và đòi hỏi nhiều kỹ năng chuyên môn.
Trước thực trạng đó, ngày 17-7-2025, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 111/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính và chuyển đổi số, bảo đảm vận hành thông suốt mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Tại Hà Nội, ngày 21-7-2025, UBND thành phố có Công văn số 4173/UBND-ĐMPT, yêu cầu đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu, 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả đúng hoặc trước hạn.
Để thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố cũng như bảo đảm hoạt động giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến xuyên suốt, yêu cầu đặt ra là các đơn vị liên quan cần xử lý triệt để lỗi phần mềm, đồng bộ dữ liệu, cung cấp dịch vụ công đúng tiêu chuẩn: “Đúng, đủ, sạch, sống, thống nhất, dùng chung”.
Đồng thời, từng địa phương cần rà soát, nâng cấp, tối ưu hệ thống thông tin cấp tỉnh, vận hành ổn định 24/7, tập trung cấu hình quy trình điện tử thủ tục hành chính phù hợp với quy định mới. Việc này giúp giảm thời gian xử lý, tăng tính linh hoạt trong giải quyết hồ sơ.
Ngoài ra, cần loại bỏ thủ tục hành chính không cần thiết và bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị hợp lý, tránh lãng phí, bảo đảm hoạt động hiệu quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và các điểm cấp xã, tránh tình trạng quá tải, ùn tắc.
Một yếu tố then chốt là nâng cao năng lực và ý thức của cán bộ, công chức. Trong bối cảnh phân cấp, ủy quyền sâu rộng, cán bộ, công chức cần chủ động học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, thay đổi tư duy từ “quản lý” sang “phục vụ”, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Chuyển đổi số không chỉ là đưa quy trình giấy lên mạng, mà còn là tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, rút ngắn thời gian xử lý, tối ưu hóa trên môi trường số. Quan trọng hơn, các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ dữ liệu, thống nhất nền tảng công nghệ và bảo đảm an toàn thông tin. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ giúp phát huy tối đa hiệu quả trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.