Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng khả năng di chuyển bằng xe buýt - Cách nào?

Bài, ảnh: Việt Tuấn| 26/06/2018 07:19

(HNM) - Thực hiện lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân trong khu vực lõi Thủ đô vào năm 2030, ngành vận tải hành khách công cộng đang nỗ lực phát triển mạng lưới xe buýt.

Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội khảo sát Trung tâm Điều hành xe buýt tại Tổng công ty Vận tải Hà Nội.


Đạt hơn 70% độ bao phủ toàn thành phố

Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, tính đến tháng 5-2018, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội gồm 111 tuyến (92 tuyến trợ giá, 9 tuyến không trợ giá, 10 tuyến kế cận). Trong 92 tuyến trợ giá, có 76 tuyến đặt hàng, 14 tuyến đấu thầu, 2 tuyến vận hành thí điểm. Mạng lưới xe buýt hiện bao phủ 30 quận, huyện, thị xã (tương ứng 411/584 xã, phường, thị trấn, đạt 70,4% độ bao phủ toàn thành phố), kết nối cơ bản đến các khu đô thị, cụm dân cư, bệnh viện, trường học, cụm công nghiệp.

Tổng công ty Vận tải Hà Nội được giao vận hành 75/92 tuyến xe buýt trợ giá nội đô. Thời gian qua, Tổng công ty đã tăng tần suất 4 tuyến buýt kết nối bến phục vụ nhu cầu hành khách tại các bến xe: Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình; điều chỉnh vận hành 8 tuyến buýt khi tuyến BRT01 đi vào hoạt động; điều chỉnh lộ trình và điểm đầu - cuối 28 tuyến để hợp lý hóa và tăng tính kết nối của mạng lưới xe buýt theo kế hoạch, đồng thời mở thêm 17 tuyến buýt mới.

Quá trình khảo sát việc thực hiện Đề án phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố từ năm 2011 đến nay, Ban Đô thị HĐND thành phố cũng nhận định, công tác quản lý mạng lưới xe buýt phát triển hợp lý, phù hợp điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và sự phân bố dân cư của Thủ đô. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, nhiều phương tiện được đầu tư thay mới; tăng điểm chờ xe buýt; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành giám sát.

Tuy nhiên, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, kết cấu mạng lưới vẫn chưa mạch lạc, tỷ lệ trùng tuyến vẫn còn khá cao; mức độ bao phủ tại các tuyến phố cũ, phố cổ, khu đô thị mới ở nội thành, các xã xa trung tâm còn hạn chế. Bên cạnh đó theo yêu cầu, quy hoạch quỹ đất dành cho giao thông từ 16 đến 26%, nhưng nay mới đạt 8,65%, dẫn đến không bảo đảm điều kiện khai thác. Chưa kể, tình trạng vi phạm chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, cơ sở hạ tầng vận tải diễn ra khá phổ biến (70 nhà chờ bị chiếm dụng), gây khó khăn cho xe buýt tiếp cận đón, trả khách. Điều này dẫn đến việc người đi xe buýt giảm, hiện nay mới đạt gần 15% nhu cầu đi lại của nhân dân.

Đổi mới mô hình quản lý, nâng chất lượng

Qua đợt khảo sát mô hình hoạt động xe buýt trên địa bàn thành phố, các thành viên Ban Đô thị HĐND thành phố cho rằng, số lượng người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thấp và giảm trong thời gian gần đây. Nguyên nhân của thực trạng này một phần do hạ tầng vận tải chưa bảo đảm, một phần do thiếu ổn định điểm dừng, luồng tuyến hoặc tuyến buýt quá dài (dài nhất là hơn 60km), kèm theo ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, dẫn đến thời gian đi của hành khách bị kéo dài, giảm tính hấp dẫn của dịch vụ này.

Chưa kể, theo kết quả khảo sát, trung bình mỗi năm có hơn 400 vị trí điểm dừng phải điều chỉnh thông tin và vị trí; gần 80 lượt xe phải điều chỉnh luồng tuyến. Đáng lưu ý, một số hành lang xe buýt trọng yếu như trục quốc lộ 32, quốc lộ 6 do thi công tuyến đường sắt trên cao, đã phải di chuyển và thu hồi 38 điểm dừng. Chỉ tính riêng 2 trục quốc lộ này, ngành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã mất đi một lượng lớn khách đi lại thường xuyên là học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Công Nhật cho biết, việc tăng giá vé xe buýt trong thời gian gần đây cũng làm giảm tính hấp dẫn so với loại hình phương tiện mới ra đời như GrabTaxi, GrabBike, xe máy điện…, nhất là với những chuyến đi cự ly ngắn. Ngoài ra, trong điều kiện mức sống và thu nhập của người dân Thủ đô tăng lên, yêu cầu về sự tiện nghi, văn minh, thân thiện cũng tăng theo. Trong khi đó, hình ảnh xe buýt Thủ đô vẫn chưa có chuyển biến mạnh mẽ, vẫn còn một số xe buýt cũ, nội thất xuống cấp, vận hành xe thiếu an toàn; hành vi ứng xử thiếu chuyên nghiệp, thiếu văn minh của lái xe, nhân viên.

Theo Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Vũ Ngọc Anh, để đạt chỉ tiêu đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phục vụ được 20% nhu cầu đi lại của người dân, Sở Giao thông - Vận tải cần có giải pháp tiếp tục cải thiện, mở rộng vùng phục vụ theo hướng hợp lý hóa lộ trình, nhất là khu vực ngoại thành, các khu đô thị mới, khu công nghiệp, chung cư, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, giải pháp căn cơ là huy động nguồn lực xã hội hóa trong vận tải; nâng cấp các điểm dừng xe buýt với hệ thống mái che; đầu tư hệ thống vé điện tử thay vé lượt và tem tháng như hiện nay. “Việc triển khai hệ thống vé điện tử rất quan trọng, vừa thuận lợi cho hành khách, vừa hỗ trợ quản lý minh bạch mô hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Thủ đô” - ông Nguyễn Nguyên Quân nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng khả năng di chuyển bằng xe buýt - Cách nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.