(HNM) - Gần đây, nhiều sản phẩm du lịch liên kết, mang tính trải nghiệm cao giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố đang tạo nên sức hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm được kỳ vọng có thể tạo sức bật cho du lịch Thủ đô để khách quốc tế lưu trú lâu dài và chi tiêu cao hơn.
Thêm các tuyến du lịch mới
Giữa tháng 2 vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn du thuyền cao cấp châu Á (APC) ra mắt dòng sản phẩm phục vụ khách trong ngày (Ambassador Cruise II) có lịch trình kết nối từ Hà Nội - Hạ Long (Quảng Ninh). Đây là sản phẩm du thuyền cao cấp hoạt động trong ngày có quy mô lớn với sức chứa 500 khách. Với sản phẩm này, khách đi từ Hà Nội có thể đến Hạ Long trải nghiệm trọn gói 1 ngày với các dịch vụ tham quan vịnh, thưởng thức ẩm thực… sau đó có thể quay trở về Hà Nội.
Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của APC Đoàn Ngọc Bảo cho biết, sản phẩm du thuyền mới này được kỳ vọng như “đòn bẩy” để gia tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới. Hiện nay, khách châu Âu, Mỹ chưa vào Việt Nam nhiều, nhưng dòng khách từ khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ASEAN đang là thị trường rất tiềm năng. Việc ra mắt dòng sản phẩm cao cấp này có thể tạo thêm tuyến du lịch trải nghiệm Hà Nội - Hạ Long trong ngày, giữ chân du khách thêm thời gian lưu trú khi đến Hà Nội.
Cũng với mục đích tạo thêm sản phẩm du lịch liên kết mới cho Thủ đô, mới đây, sản phẩm du lịch văn hóa kết nối từ Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đi Bắc Giang do Công ty SGO Travel xây dựng đang thu hút được lượng khách từ Hà Nội. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty SGO Travel Phùng Quang Thắng chia sẻ, với quãng đường di chuyển ngắn, lại có Khu du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử cùng các vườn cây ăn quả, tuyến du lịch Hà Nội - Bắc Giang không chỉ thu hút khách nội địa mà còn tạo thêm điểm đến thuận tiện với khách quốc tế khi lưu trú tại Hà Nội.
Theo Hiệp hội Du lịch Hà Nội, trong 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng du lịch của khách có sự thay đổi lớn. Những tuyến du lịch ngắn ngày, gần Hà Nội được khách lựa chọn nhiều hơn. Vì thế, hiệp hội đã tăng cường các hoạt động liên kết chặt chẽ với các địa phương, khảo sát và xây dựng các tuyến du lịch mới như: Hà Nội - Bắc Giang; Hà Nội - Ninh Bình; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - Nam Định… Ngoài ra, nhiều sản phẩm du lịch caravan (tự lái xe) có tuyến đường dài hơn, hành trình lâu hơn cũng được đẩy mạnh như tuyến từ Hà Nội đi Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái…
Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch
Mặc dù, nhiều sản phẩm liên kết du lịch được hình thành từ kết quả hợp tác giữa các cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch các địa phương đã tạo nên một màu sắc mới mẻ cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Thủ đô nói riêng, nhưng không ít sản phẩm đến nay không còn duy trì được tính ổn định và lâu dài. Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Hà Nội Lê Bá Dũng cho rằng, không ít sản phẩm được hình thành vội vàng nên chưa đánh giá được sát thị hiếu của du khách. Nhiều sản phẩm chỉ thay đổi hình thức tổ chức nhưng chất lượng dịch vụ tại điểm đến, đội ngũ hướng dẫn viên không thay đổi nên khách chỉ trải nghiệm một lần và không quay trở lại.
Để tăng thêm tính hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch liên kết giữa Hà Nội và các địa phương, theo PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), các địa phương cần quy hoạch lại sản phẩm du lịch thế mạnh, từ đó xây dựng chuỗi liên kết theo từng sản phẩm cụ thể, tránh dàn trải, lặp lại. Còn Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, với xu hướng trải nghiệm du lịch ngắn ngày, các đơn vị lữ hành nên khai thác tuyến du lịch gần, lân cận Hà Nội với quãng đường di chuyển ngắn, thời gian di chuyển nhanh. Ngoài ra, các địa phương cần tạo thêm nhiều hoạt động trải nghiệm mang thương hiệu riêng.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, để tăng hiệu quả trong hoạt động liên kết, đầu năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội ban hành Kế hoạch số 29/KH-SDL về việc triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố năm 2023. Theo đó, ngành Du lịch Hà Nội sẽ liên kết với các tỉnh, thành phố phát triển sản phẩm liên kết vùng, phát triển thị trường du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện), du lịch đô thị, du lịch biển đảo, chăm sóc sức khỏe, giáo dục.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở sẽ chủ động mời các địa phương cùng tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, trong đó tập trung chủ yếu vào việc xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, khởi hành từ thành phố Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phố tuyên truyền, quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch mới hơn trên các website, nền tảng mạng xã hội, hệ thống thông tin đại chúng.
Để thúc đẩy hoạt động phục hồi và phát triển du lịch trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã không ngừng tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương. Năm 2021, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị kết nối du lịch giữa Hà Nội và các địa phương với chủ đề "Thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và các địa phương". Đây là giải pháp cho doanh nghiệp lữ hành trong trạng thái bình thường mới nhằm thúc đẩy đón khách, đặc biệt là khách quốc tế. Trong năm 2022, Hà Nội đẩy mạnh liên kết giữa các tỉnh, thành phố, hợp tác xây dựng những sản phẩm, tour du lịch mới. Đáng chú ý là chương trình kết hợp giữa du lịch biển và khám phá hang động khởi hành từ Hà Nội qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và kết thúc tại Quảng Bình; tour liên tuyến từ Hà Nội vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với chủ đề “Hành trình trở lại miền Trung”. Các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cũng xây dựng các tour du lịch liên kết với các địa phương...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.