(HNM) - Năm 2013, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực sự là phao cứu sinh giúp hàng triệu hộ nông dân vươn lên trong cuộc sống.
Tuy nhiên, hạn mức cho vay 30 triệu đồng/món được áp dụng từ 8 năm qua, khó giúp nông dân mở rộng sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Để giúp nông dân thoát nghèo bền vững, cần điều chỉnh theo hướng tăng hạn mức cho vay với mỗi hộ.
Đồng vốn thoát nghèo
Thời gian qua, đồng vốn tín dụng của NHCSXH đã thực sự đồng hành cùng nông dân, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Bà Vũ Thị Nhiều, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thanh Trì cho biết: Năm 2013, vốn tín dụng của đơn vị đã giúp 1.405 hộ nghèo, cận nghèo có vốn tự tổ chức kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 1.072 lao động. Không những thế, vốn tín dụng của ngân hàng còn giúp 957 hộ của huyện cải tạo và xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch đạt chuẩn, bảo đảm sức khỏe và cải thiện môi trường nông thôn, giúp cho 260 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập. Thông qua vay vốn NHCSXH, người dân được làm quen với tín dụng ngân hàng, có ý thức vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, đồng thời hạn chế việc phải vay nặng lãi từ tín dụng đen.
Không chỉ nông dân huyện Thanh Trì, nhiều nông dân ở các huyện ngoại thành khác như: Sóc Sơn, Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên... cũng đang vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay này. Bà Đặng Thị Thùy, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên cho biết: Nhờ được vay 30 triệu đồng của NHCSXH từ nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo và nước sạch vệ sinh môi trường, bà đã mua 200 con ngan, 100 con gà ta để mở rộng quy mô chăn nuôi của gia đình thay vì phải "treo chuồng" do thiếu vốn.
Điều chỉnh cho phù hợp với thực tế
Trong năm qua, Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã thực hiện cho vay 11 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt 4.300 tỷ đồng, tăng trưởng dư nợ tập trung vào 3 chương trình: Cho vay hộ cận nghèo (tăng 486 tỷ đồng), cho vay giải quyết việc làm bằng nguồn vốn địa phương (tăng 143,7 tỷ đồng), cho vay NS&VSMTNT (tăng 42,7 tỷ đồng). Hộ nghèo trên địa bàn thành phố đang giảm dần qua các năm, tuy nhiên việc giữ cho các hộ không tái nghèo vô cùng khó, bởi nông dân luôn phải đối mặt với những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam cho biết: Trong 3 năm qua, nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn mỗi năm tăng khoảng 20% đã góp phần quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trước sự chuyển động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, một số cơ chế, chính sách đã không theo kịp nên cần phải xem xét, nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế. Nắm bắt được những bất cập này, thời gian qua, NHCSXH đã tích cực phản ánh, đề nghị Nhà nước chỉnh sửa một số quy định để đồng vốn đến với người nghèo hiệu quả hơn. Đơn cử như trước tình trạng mức lãi suất vay vốn của hộ cận nghèo cao hơn nhiều so với hộ nghèo, trong khi thu nhập thực tế của hai đối tượng này chênh lệch không lớn; NHCSXH đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép hạ lãi suất cho vay ưu đãi đối với hộ cận nghèo từ mức 10,14%/năm xuống còn 9,36%/năm và chỉ cao hơn lãi suất cho vay đối với hộ nghèo 1,56%/năm, tương ứng 0,13%/tháng, đã tạo điều kiện cho các hộ khó khăn phát triển sản xuất, bảo đảm cuộc sống.
Tuy nhiên, trước thực tế nhiều ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất cho vay trong lĩnh vực "tam nông" xuống mức 9%/năm như hiện nay, hầu hết các hộ dân đang được hưởng chương trình cho vay hộ nghèo và cận nghèo đều mong muốn được tăng mức vốn cho vay đối với khu vực nông thôn với lãi suất thấp để người dân có điều kiện sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống. Mức cho vay hộ nghèo và cận nghèo không quá 30 triệu như hiện nay đã được áp dụng từ 8 năm qua, khó để nông dân mở rộng sản xuất, xây dựng mô hình nông nghiệp hàng hóa. Ông Nguyễn Văn Lý cho rằng: Đây là một tồn tại có thể gây khó khăn cho người vay và đã được nhiều hộ vay vốn phản ánh. Với tốc độ trượt giá thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng cần nâng mức cho vay lên 50 - 60 triệu đồng/hộ mới tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.