(HNM) - Thường trực Thành ủy và HĐND TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh giá xe buýt trên địa bàn Thủ đô từ ngày 1-10-2012. Việc tăng giá này nhằm giảm trợ giá từ ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Giá vé xe buýt không còn phù hợp
Theo phương án điều chỉnh giá vé công bố mới đây, tuyến xe buýt cự ly dưới 25km tăng lên 5.000 đồng/lượt; từ 25km đến 30km là 6.000 đồng/lượt và trên 30km giá vé là 7.000 đồng/lượt (mức tăng so với hiện tại là 2.000 đồng/lượt). Đối với vé tháng, mức tăng bình quân gần 26.000 đồng/tháng. Tăng thấp nhất là vé dành cho đối tượng ưu tiên (học sinh, sinh viên), mức mới là 45.000 đồng/tuyến/tháng, tăng 20.000 đồng so với hiện nay. Tăng cao nhất là vé tháng liên tuyến của đối tượng không ưu tiên, với mức mới 140.000 đồng/tháng, tăng 60.000 đồng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Điều hành và quản lý giao thông đô thị, việc điều chỉnh giá vé lần này nhằm bảo đảm việc trợ giá từ ngân sách TP cho xe buýt một cách hợp lý, từng bước giảm bớt gánh nặng ngân sách; tăng thêm nguồn vốn tái đầu tư đổi mới xe và cơ sở hạ tầng xe buýt để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút tối đa người dân đi lại bằng xe buýt.
Vì sao phải tăng giá vào thời điểm này? Ông Nguyễn Hoàng Hải giải thích: Giá xe buýt hiện áp dụng theo Quyết định số 35/2005/QĐ-UB ngày 15-3-2005 của UBND TP Hà Nội không còn phù hợp. Từ năm 2005 đến nay, giá các yếu tố chủ yếu cấu thành chi phí vận tải hành khách bằng xe buýt đã tăng cao, dẫn đến tỷ lệ trợ giá so với chi phí đã tăng từ 41% năm 2006 lên 68% năm 2011 và còn tiếp tục tăng, tạo sức ép lớn lên ngân sách. Bên cạnh đó, mức lương cơ bản đã 8 lần điều chỉnh từ năm 2005 đến nay và nhiên liệu tăng 343% so với thời điểm năm 2005… Hiện tại, mỗi năm ngân sách TP trợ giá cho xe buýt khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, sau khi tăng giá, ước tính trợ giá sẽ giảm khoảng 296 tỷ đồng/năm. Thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA tổ chức khảo sát hành khách đi xe buýt, kết quả cho thấy đa số hành khách đồng ý với việc tăng giá vé kết hợp với cải thiện chất lượng dịch vụ (37% không đồng ý tăng giá vé). Với mức điều chỉnh như trên, bình quân một hành khách đi vé lượt phải trả khoảng 86% chi phí, ngân sách hỗ trợ 14% chi phí/hành khách. Mỗi hành khách đi vé tháng phải trả bình quân 26% chi phí, ngân sách hỗ trợ 74% chi phí/hành khách.
Tăng giá có đi kèm tăng chất lượng phục vụ?
Điều người dân quan tâm chính là chất lượng dịch vụ có tăng tỷ lệ thuận với giá vé. Vấn đề này, ông Nguyễn Phi Thường, Tổng Giám đốc Transerco cho rằng: Có 37% hành khách chưa đồng thuận với việc tăng giá vé là bởi xe buýt phần nào đó chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, đặc biệt trong giờ cao điểm. Hiện nay hạ tầng dành cho xe buýt thiếu và yếu. Tại nhiều khu vực, người dân khó tiếp cận, có khu vực còn trắng về xe buýt. Cùng với đó, hiện tượng xe bỏ điểm dừng và thái độ phục vụ kém của một số lái xe, nhân viên bán vé gây bức xúc cho hành khách. Đây là những nội dung mà Transerco đang nỗ lực cải thiện chứ không phải đợi đến khi tăng giá vé mới đề cập đến. Cụ thể: Transerco đang loại bớt các xe đã quá niên hạn; tu sửa các điểm dừng, nhà chờ; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, đào tạo chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, nhất là đội ngũ lái xe, bán vé; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý điều hành… Đến nay, 100% xe buýt của Transerco đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Qua thiết bị này, Tổng Công ty có thể kiểm soát hành trình của xe hoạt động trên tuyến; kiểm soát tốc độ vận hành (xe chạy quá tốc độ, tăng tốc đột ngột, phanh gấp); thống kê được vi phạm không dừng đỗ đón trả khách; ghi nhận những trường hợp mở cửa khi xe đang vận hành và ghi nhận được thời gian làm việc của lái xe... Thiết bị có chức năng thông báo điểm dừng tiếp theo trước khi xe đến giúp hành khách chủ động xác định điểm dừng cần xuống. Nhờ đó, vi phạm đã giảm mạnh. Công tác điều hành kiểm tra giám sát chủ động, thuận tiện hơn; việc xác minh kết quả các vi phạm nhanh chóng, chính xác.
Trong chiến lược phát triển, từ nay đến năm 2015, Tổng Công ty sẽ thay thế hơn 400 xe buýt cũ, trung bình mỗi năm thay thế từ 100 đến 150 xe. Đặc biệt, từ năm 2013 đến 2015, sẽ nghiên cứu thí điểm loại xe 16 chỗ để phát triển các tuyến gom khách từ ngõ, phố sâu ra các tuyến buýt trên phố chính; nghiên cứu tăng cường loại xe chuyên chở học sinh, mở thêm vé tháng chuyên trách phục vụ CBCNV các cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất…
Transerco đề nghị TP Hà Nội tiếp tục mở rộng mạng lưới phục vụ hành khách, qua đó nâng cao năng lực vận chuyển của xe buýt với mục tiêu theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, không có trung tâm, đơn vị hành chính (quận, huyện) trắng xe buýt; giai đoạn 2, không có trung tâm thị trấn, khu đô thị, khu công nghiệp và trung tâm liên xã trắng xe buýt; giai đoạn 3, đưa xe buýt về trung tâm các xã, các điểm thu hút hành khách lớn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.