Giáo dục

Tăng đầu tư nhiều loại hình trường học

Trang - Hạnh ghi 16/07/2023 - 06:27

Thực hiện mục tiêu phân luồng của Đảng, Nhà nước, trong bối cảnh dân số cơ học ngày càng tăng, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc ưu tiên nguồn lực, tăng cường đầu tư để giảm áp lực cho trường công lập. Nhiều loại hình trường học được quan tâm đầu tư và đạt hiệu quả giáo dục tốt, đáp ứng nguyện vọng học tập đa dạng của học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác dân số thành phố Hà Nội:

Thực hiện phân bố dân số hợp lý

nhi-ha.jpg

Hà Nội là thành phố đông dân thứ hai của cả nước và cũng có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do cơ cấu dân số trẻ nên hằng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, dẫn đến làm tăng số sinh của thành phố. Thêm vào đó, tốc độ gia tăng dân số cơ học hằng năm ở mức cao, làm tăng quy mô dân số. Hệ lụy là tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an ninh xã hội, gây ra áp lực trường lớp, bệnh viện…

Do đó, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các kế hoạch của Thành ủy, UBND thành phố và triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới và các đề án, chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác dân số của thành phố theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số hợp lý trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Ông Lê Tuấn Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Thạch Bàn, quận Long Biên:

Ưu tiên xây trường công ở nơi đông dân cư

tuan-anh.jpg

Việc xếp hàng giành suất học cho con ở lớp 10 ở một số trường tư thục trên địa bàn thành phố thời gian vừa qua là việc không phổ biến, nhưng hiện tượng này cho thấy phụ huynh mong muốn chọn trường học có chất lượng chứ không do thiếu trường. Với nhiều người, vấn đề cốt lõi chưa hẳn là chuyện “hết trường công, chuyển học trường tư”, mà là chất lượng giáo dục. Vì vậy, theo tôi, cấp có thẩm quyền cần tăng cường giám sát và công khai chất lượng giáo dục của các trường tư thục để phụ huynh có thêm nhiều lựa chọn tốt, giảm tải cho trường công lập.

Liên quan đến giải pháp về xây dựng trường công lập thời gian tới, theo tôi cần rà soát thật kỹ, dự báo chính xác số lượng học sinh cấp trung học phổ thông ở từng địa bàn, nhất là khu vực nội thành, nơi giáp ranh để ưu tiên đầu tư, không nên xây dựng tràn lan để tránh lãng phí. Thực tế hiện nay, ở một số huyện không thiếu trường công lập, thậm chí có trường học tuyển sinh đầu vào rất thấp nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu, sĩ số học sinh/lớp cũng ít…

Anh Trần Quang Huy, thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm:

Học nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở là lựa chọn đáng quan tâm

quang-huy.jpg

Sinh năm 2001, do điều kiện gia đình, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, em không dự tuyển vào lớp 10 trường trung học phổ thông mà chọn học nghề công nghệ sơn ô tô của Trường Trung cấp Nghề giao thông công chính Hà Nội. Những cố gắng của em đã đạt thành quả khi giành giải Ba ở kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới năm 2022 tại Đức. Đây cũng là cơ hội để em được gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn học ở nhiều quốc gia và thêm tự tin về con đường mình đã chọn.

Đặc biệt, trong quá trình đi học, em có thể đi làm thêm để có thêm thu nhập và trau dồi kiến thức, kỹ năng. Em vừa ra trường và cùng lúc nhận bằng tốt nghiệp văn hóa và bằng tốt nghiệp trung cấp nghề. Hiện nay em đã mở được một xưởng nhỏ, có thu nhập ổn định để phụ giúp gia đình. Vài năm nữa, em sẽ tiếp tục học lên cao đẳng, đại học để phát triển nghề nghiệp tốt hơn. Từ trải nghiệm bản thân, em thấy rằng, việc học nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở là một lựa chọn rất đáng quan tâm. Dù học trong môi trường nào thì ý thức và sự nỗ lực của bản thân vẫn là điều quan trọng nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng đầu tư nhiều loại hình trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.