(HNM) - Truyền thông về bình đẳng giới có ý nghĩa quan trọng, góp phần phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ quản lý Chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ của cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về nội dung này.
- Bà có thể chia sẻ đôi điều về hiệu quả công tác truyền thông bình đẳng giới tại Việt Nam?
- Có thể khẳng định, công tác này là một trong những thành tựu nổi bật nhất trong 15 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới tại Việt Nam. Đặc biệt, với việc ban hành Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, Việt Nam có cơ sở quan trọng để hiện thực hóa các nhiệm vụ, giải pháp truyền thông về bình đẳng giới, từ đó tạo nền tảng truyền thông nhanh hơn, toàn diện hơn, phục vụ tốt hơn việc thúc đẩy bình đẳng giới.
- Để truyền thông thực sự là công cụ hữu hiệu thúc đẩy bình đẳng giới, bản thân người làm truyền thông phải hiểu sâu sắc, không định kiến khi đưa tin, bài… Qua thực tiễn hoạt động, bà nghĩ gì về nhận định này?
- Thực tế cho thấy, đây là yêu cầu vô cùng quan trọng, đơn cử như khi đưa tin về bạo lực phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực, chúng ta phải đặc biệt lưu ý yếu tố bảo mật danh tính, địa chỉ, bối cảnh sinh hoạt, bảo đảm an toàn cho nhân vật. Phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người cung cấp thông tin, nhất là nạn nhân của bạo lực gia đình, có kiến thức, thông tin để tư vấn, giới thiệu các địa chỉ an toàn hỗ trợ cho họ. Quá trình tác nghiệp phải khách quan, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, tránh để một lần nữa gây sang chấn tâm lý cho họ về những trải nghiệm bị bạo lực.
- Qua các nghiên cứu, điều tra, khảo sát của UN Women, bà có khuyến nghị gì để giải quyết thực trạng bạo lực gia đình tại Việt Nam?
- Các khảo sát của chúng tôi cho thấy, tình trạng phụ nữ bị bạo lực do bạn tình, bạn đời gây ra lên đến 63%. Điều đáng nói, hơn 90% số phụ nữ bị bạo lực không lên tiếng mà chọn cách chịu đựng, tự tìm cách giải quyết vấn đề. Thực ra, trách nhiệm lên tiếng không nằm ở người bị bạo lực, một khi họ không có được sự tin tưởng vào hệ thống dịch vụ xã hội trợ giúp họ. Chính vì vậy, chúng ta cần có cơ chế điều phối cấp quốc gia, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong giải quyết các vụ việc liên quan đến bất bình đẳng giới, nâng cao kỹ năng của người cung cấp dịch vụ, bảo đảm nguyên tắc lấy nạn nhân là trung tâm; cán bộ y tế, tư pháp, hành pháp cần có biện pháp hỗ trợ, bảo vệ, trợ giúp pháp lý cho các nạn nhân bị bạo lực…
- Thời gian tới, UN Women sẽ làm gì để đẩy mạnh truyền thông về bình đẳng giới, thưa bà?
- Thời gian tới, UN Women sẽ tập trung đồng hành, hỗ trợ Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) triển khai Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, thực hiện các khảo sát, đánh giá nhận thức về bình đẳng giới, đẩy mạnh hiệu quả tác động của truyền thông. Thông qua các chiến dịch, chương trình truyền thông, UN Women kêu gọi mọi người chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao năng lực, sự nhạy cảm giới cho những người làm truyền thông khi đưa tin về lĩnh vực này…
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.