(HNM) - Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện cùng Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên về việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ...
Thực thi bản quyền trong lĩnh vực xuất bản còn nhiều hạn chế. Ảnh: Tào Ngọc |
- Thứ trưởng có thể chia sẻ đôi điều suy nghĩ về nhiệm vụ tăng cường thực thi pháp luật bản quyền hiện nay?
- Trên cơ sở căn cứ pháp lý, đặc biệt là thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành một số điều khoản của Luật Sở hữu trí tuệ, các nhà quản lý và chuyên môn đều nhận thấy nhu cầu phải tăng cường năng lực, hoạt động của các tổ chức bảo vệ bản quyền nhằm tạo môi trường cho doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, nâng cao đạo đức kinh doanh, thực thi hiệu quả pháp luật về bản quyền, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thời gian qua, Bộ VH,TT&DL, trực tiếp là Cục Bản quyền tác giả đã tập trung triển khai lấy ý kiến để xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Đây là nhiệm vụ quan trọng, bởi thực tiễn cuộc sống đặt ra rất nhiều vấn đề đòi hỏi các nhà quản lý phải ra được văn bản hướng dẫn chi tiết, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ thực thi pháp luật về bản quyền hiệu quả hơn.
- Dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 63 điều, trong đó, nội dung quy định về hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan được đặc biệt quan tâm. Xin ông cho biết hướng điều chỉnh, bổ sung điều khoản này?
- Nếu giải quyết tốt nội dung này, nghĩa là chúng ta sẽ giải quyết được khúc mắc lớn nhất, với mục tiêu đặt ra hàng đầu là phải làm sao để bảo đảm lợi ích của 3 bên: Tác giả, chủ thể sáng tạo; bên khai thác tác phẩm sáng tạo; và lợi ích thụ hưởng tác phẩm văn học nghệ thuật của công chúng - tạo điều kiện phát triển đời sống văn hóa nghệ thuật.
Tất cả vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến, nhưng hướng điều chỉnh là phải thực hiện nghiêm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của tổ chức này; việc thu và phân chia tiền bản quyền phải có văn bản ủy quyền có thỏa thuận về mức hoặc tỷ lệ phần trăm, phương thức và thời gian phân chia tiền bản quyền. Các tổ chức đại diện tập thể có nghĩa vụ xây dựng quy định về biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan, đàm phán với bên khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng...
- Thứ trưởng cũng từng lên tiếng về bất cập trong việc thu - chi của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là việc thu khoán cả gói, còn chi lại chi tiết từng mục nhỏ...?
- Tôi đã nghe phản ánh về thực tế đó ở các địa phương, đòi hỏi phải phân định rõ quyền hạn của các tổ chức này: Khi được ủy quyền, họ phải có nghĩa vụ đàm phán, sử dụng quyền hạn đến mức nào, còn trong trường hợp không thỏa thuận được thì cách thức tiếp theo là gì... Cơ quan nhà nước không giải quyết chi tiết cụ thể theo vụ việc, mà cố gắng ra Nghị định quy định chi tiết các điều khoản và biện pháp thi hành - văn bản hướng dẫn để tất cả thống nhất thực hiện. Còn các tranh chấp theo hợp đồng dân sự, xu hướng chung là đưa ra tòa án giải quyết. Hiện, chúng ta đang lúng túng việc này, chưa có nhiều phiên tòa xử lý vi phạm về bản quyền.
- Để tránh những tranh cãi và bức xúc xã hội như việc tổ chức thu bản quyền qua đầu máy ti vi trong phòng nghỉ khách sạn ở Đà Nẵng hồi tháng 7 vừa qua, chúng ta cần có những giải pháp gì, thưa ông?
- Phải có giải pháp đồng bộ, đòi hỏi nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, các trung tâm bảo vệ quyền tác giả, cũng như của các nhà tổ chức, công chúng, sự phối hợp chặt chẽ từ trung ương tới địa phương. Chúng ta phải giải quyết các hạn chế của đội ngũ cán bộ quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; hệ thống tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan do tình trạng kiêm nhiệm, mới được hình thành, đang trong giai đoạn hoạt động thể nghiệm... Ở đây, một lần nữa phải nhắc đến yêu cầu phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trung ương, thanh tra văn hóa các địa phương, tòa án...
- Ông có thể chia sẻ những bước đi tiếp theo nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bản quyền?
- Tình trạng xâm phạm bản quyền xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong môi trường số, đã và đang là thách thức đối với hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng và hoạt động phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa nói chung. Để từng bước giải quyết vấn đề này, thứ nhất, chúng ta phải xây dựng hệ thống văn bản chuẩn, sát với thực tế cuộc sống của đời sống văn học nghệ thuật. Thứ hai, phải tăng cường tập huấn nâng cao nghiệp vụ trong lĩnh vực này đối với các nhà quản lý ở trung ương và địa phương. Thứ ba, phải tăng cường tuyên truyền quảng bá. Ngay với các nước tiên tiến nhất, họ vẫn phải tăng cường điều này dù họ có Luật Sở hữu trí tuệ trước chúng ta rất nhiều năm. Tất cả đều phải có ý thức không sử dụng tác phẩm của người khác khi chưa xin phép.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.