Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á

Đình Hiệp| 03/05/2014 07:06

(HNM) - Chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Philippines, chặng dừng chân cuối cùng trong khuôn khổ chuyến thăm Châu Á gần một tuần, hai nước đã ký một thỏa thuận quốc phòng mới thời hạn 10 năm.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin (trái) và Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg vừa ký một thỏa thuận quốc phòng mới.



Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Mỹ tại Manila Philip Goldberg đã ký bản "Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường Philippines - Mỹ" này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một thỏa thuận khung và các điều khoản cụ thể như số lượng binh sĩ Mỹ luân phiên có mặt tại Philippines là bao nhiêu, thời điểm triển khai như thế nào vẫn chưa được hai bên thảo luận. Theo nhận định của giới quan sát, đây là món quà ý nghĩa mà Philippines muốn có nhân chuyến thăm của Tổng thống B.Obama. Thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ quân sự của Philippines, gồm cả quân cảng Subic (quân đội Mỹ phải rút đi hồi năm 1992 do sự phản đối của người dân địa phương) và một quân cảng tiếp vận quan trọng ở tỉnh Palawan giáp Biển Đông. Không những thế, thỏa thuận còn cho phép binh sĩ, chiến hạm và chiến đấu cơ của Mỹ hiện diện luân phiên dài hạn hơn ở Philippines, bên cạnh đơn vị cố vấn chống khủng bố 700 người đóng tại miền Nam nước này lâu nay. Mỹ cũng được phép triển khai tại các căn cứ hiện có của Philippines các phương tiện và thiết bị cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ khắc phục thiên tai.

Đổi lại, Philippines được phép mua sắm khí tài quân sự cũng như xây dựng hạ tầng để triển khai các phương tiện hải quân một cách dễ dàng hơn. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Batino cho rằng, thỏa thuận sẽ giúp Manila có được phương tiện quốc phòng đáng tin cậy tối thiểu. Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cho biết, thỏa thuận mới đưa hợp tác an ninh giữa hai nước lên một mức cao hơn, khẳng định lại cam kết của hai nước đối với lĩnh vực an ninh và quốc phòng; đồng thời thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. Thỏa thuận sau khi ký kết sẽ được Chính phủ Philippines ban hành với tư cách là một văn kiện hành pháp và sẽ có hiệu lực ngay, không cần phải thông qua thủ tục phê chuẩn tại Quốc hội.

Thỏa thuận khung về hợp tác quốc phòng Mỹ - Philippines được ký kết trong bối cảnh quan hệ giữa quốc gia Đông Nam Á này với Trung Quốc xuất hiện nhiều sóng gió do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Mặc dù khẳng định trước báo giới là Mỹ "không đứng về bên nào", nhưng Tổng thống B.Obama tiếp tục đưa ra lập trường của Washington là tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, không cưỡng bức và khủng bố tinh thần. Tổng thống B.Obama cũng khẳng định Mỹ ủng hộ Philippines trong việc đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế. Khẳng định trong thỏa thuận nêu trên không có điều khoản về việc Mỹ nắm giữ hay xây mới các căn cứ quân sự tại Philippines, Tổng thống B.Obama nhấn mạnh việc mở rộng hợp tác giữa các lực lượng sẽ giúp hai nước tăng cường khả năng huấn luyện, tập trận và hoạt động chung cũng như phản ứng nhanh nhạy hơn trước các thử thách.

Như một minh chứng cho sự hiện diện về quân sự của Mỹ ở Châu Á, Mỹ và Philippines đang chuẩn bị cho cuộc tập trận chung thường niên mang tên Balikatan từ ngày 5 đến 16-5 tới. Cuộc thao luyện này có sự tham gia của 3.000 binh sĩ Philippines và 2.500 quân nhân Mỹ, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, phòng chống thiên tai và an ninh hàng hải. Đại úy Annalea Cazcarro, phát ngôn viên của cuộc tập trận cho biết, cuộc tập trận chung lần thứ 30 này nhằm nâng cao khả năng của quân đội Philippines trong việc lập kế hoạch hành động chống khủng hoảng và khủng bố; đồng thời nâng cao khả năng tương tác với các lực lượng vũ trang Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.