(HNM) - Hôm nay (12-1), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng lên đường thăm chính thức nước CHND Trung Hoa theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình.
Kim ngạch xuất khẩu song phương Việt Nam - Trung Quốc liên tục tăng trong những năm qua. |
Chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng ta sau Đại hội XII của Đảng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lợi ích lẫn nhau, vì sự ổn định của khu vực nói riêng, thế giới nói chung.
Chuyến thăm diễn ra trong thời điểm hai nước đang tưng bừng những hoạt động kỷ niệm 67 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2017) và chào đón Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017. Chuyến thăm cũng là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực.
Về quan hệ chính trị, hai nước tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, với tài sản quý báu là tình cảm hữu nghị được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng nhiều thế hệ lãnh đạo tiền bối của hai Đảng, hai nước dày công vun đắp. Thời gian qua, các cuộc giao lưu và tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa hai nước được duy trì, trong đó, giao lưu kênh Đảng ngày càng phát triển sâu rộng. Hai bên đã ký Kế hoạch hợp tác hai Đảng giai đoạn 2016-2020 (vào tháng 4-2015) và tích cực trao đổi đoàn cấp cao. Hai bên phối hợp luân phiên tổ chức 12 cuộc Hội thảo lý luận thường niên giữa hai Đảng nhằm trao đổi kinh nghiệm lý luận và thực tiễn về xây dựng Đảng, quản lý đất nước.
Hai nước cũng thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn cấp cao, góp phần tăng cường sự hiểu biết và mở rộng hợp tác song phương. Trong đó, năm 2015 đã ghi dấu ấn quan trọng trong quan hệ hai nước khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc (4-2015) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam (11-2015). Bên cạnh đó, hợp tác đào tạo cán bộ được triển khai hiệu quả với việc hoàn thành mục tiêu tổ chức 1.500 lượt cán bộ Việt Nam sang nghiên cứu, học tập, khảo sát tại Trung Quốc giai đoạn 2011-2015 và ký kết Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2016-2020.
Hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước tiếp tục được thúc đẩy và mang lại hiệu quả thiết thực. Hai bên đã tổ chức thành công Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung (6-2016) với nhiều kết quả cụ thể. Quan hệ giữa các địa phương được tăng cường với nhiều hình thức. Nhiều phiên họp của các cơ chế hợp tác giữa các địa phương biên giới Việt Nam và Trung Quốc đã được tiến hành như Ủy ban Công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc), Nhóm công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Hội nghị kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Một điểm sáng đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước là hợp tác kinh tế, thương mại. Năm 2015, theo số liệu của Việt Nam, kim ngạch song phương đạt 66,67 tỷ USD. Năm 2016 con số này là 71,6 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 21,8 tỷ USD, tăng 26,3% và nhập khẩu 49,8 tỷ USD, tăng 0,5% so với năm 2015. Trong 12 năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong ASEAN. Hai nước phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2017. Quan hệ hợp tác đầu tư có những bước phát triển mới, tính đến hết tháng 10-2016, Trung Quốc có 1.522 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 10 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Hợp tác giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch cũng được xác định là một trọng tâm trong quan hệ giữa hai nước. Hiện có khoảng 10.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học của Trung Quốc với những ngành nghề đa dạng và có khoảng gần 3.000 du học sinh Trung Quốc đang theo học tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các ngành ngôn ngữ, du lịch và kinh doanh. Hai bên đang tích cực triển khai “Kế hoạch thực hiện Hiệp định văn hóa Việt - Trung giai đoạn 2016-2018”.
Hằng năm, hai bên trao đổi nhiều đoàn biểu diễn nghệ thuật, tổ chức nhiều cuộc giao lưu văn hóa, thể thao, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Hai bên cũng đã triển khai hiệu quả “Thỏa thuận về hợp tác thể dục thể thao”. Theo đó, Trung Quốc giúp Việt Nam huấn luyện và đào tạo vận động viên cho những đấu trường lớn. Về du lịch, Trung Quốc dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam với 1,8 triệu lượt khách năm 2015 trong khi cũng có tới 1,5 triệu lượt khách Việt Nam đi du lịch Trung Quốc. Giao lưu nhân dân và thế hệ trẻ hai nước được quan tâm đặc biệt.
Với những bước phát triển tích cực trên tất cả lĩnh vực, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị, đưa quan hệ Việt - Trung ngày càng phát triển lành mạnh, ổn định, đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi nước, vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực và thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.