(HNMO) - Chiều 21-8, tại Hà Nội, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng, Ban Cán sự đảng UBND thành phố về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Xây dựng và thành phố Hà Nội; các cơ chế, chính sách và vấn đề lớn trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của thành phố Hà Nội; các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan.
Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng UBND thành phố - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phụ trách, điều hành hoạt động của Ban Cán sự đảng UBND và UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản..
Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương; các sở, ban, ngành thành phố.
Giảm tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng từ 18% xuống còn hơn 3%
Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 06-CTr/TU ngày 29-6-2016 về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016-2020”. Kết quả thực hiện chương trình đã góp phần quan trọng giúp diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh hơn, khang trang, hiện đại hơn. Đây là nhận định khách quan của nhiều ngành, nhiều cấp, rõ nhất là tại 10 hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố diễn ra thời gian qua.
Nổi bật là, thành phố triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Mặc dù chưa hết nhiệm kỳ nhưng thành phố đã trồng được 1,6 triệu cây xanh mới, vượt mục tiêu 600.000 cây xanh. Công tác quản lý trật tự đô thị chuyển biến mạnh, giảm tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng từ 18% trong nhiệm kỳ trước xuống còn 3,07% (năm 2019).
Theo Bí thư Thành ủy, có được những thành tích, kết quả chung nêu trên, ngoài nỗ lực, cố gắng của thành phố, là do sự phối hợp tích cực của cơ quan, bộ, ngành trung ương, trong đó có Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, Hà Nội là đô thị đặc biệt, đang trong quá trình phát triển, tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, ít nhất sẽ có 5 huyện được xây dựng thành quận trong thời gian tới. Tốc độ gia tăng dân số cơ học rất nhanh, trong khi nhiều vấn đề mới, khó phát sinh, đòi hỏi phải được giải quyết. Chẳng hạn, việc cải tạo chung cư cũ phải vừa bảo đảm quy hoạch, vừa thu hút được nhà đầu tư, hay vấn đề quản lý khu phố cổ, làm sao để vừa bảo tồn, vừa phát triển... Đây đều là những "bài toán khó" mà chỉ riêng thành phố không thể giải quyết được.
Đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cuộc làm việc có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tăng cường công tác phối hợp, giải quyết tốt hơn những lĩnh vực thuộc chức năng của Bộ Xây dựng. Qua đây, thành phố không chỉ mong muốn giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt, mà còn tiếp thu để đưa vào Báo cáo chính trị, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.
Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các lĩnh vực như: Công tác quy hoạch và phát triển đô thị; quản lý và phát triển nhà ở, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản; phương án cải tạo chung cư cũ; quản lý duy tu hệ thống hạ tầng cấp nước, hệ thống chiếu sáng đô thị; công tác vệ sinh môi trường; quản lý trật tự xây dựng...
Kiến nghị tháo gỡ 20 khó khăn, vướng mắc
Báo cáo về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết, cùng với sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của Bộ Xây dựng, thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội đã phê duyệt 59/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án là 83%, theo diện tích là 86%.
Thời gian qua, thành phố chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thu hút hiệu quả đầu tư phát triển đô thị. Đến nay, có trên 1.000 tòa nhà chung cư cao tầng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, nâng diện tích nhà ở bình quân đến hết năm 2019 đạt 27,09m2/người, dự kiến hết năm 2020 đạt 27,25m2/người, vượt chỉ tiêu chương trình phát triển nhà ở được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, Hà Nội đã hoàn thiện Đề án cải tạo xây dựng mới các chung cư cũ báo cáo Bộ Xây dựng; tổ chức kiểm định 33 công trình nhà chung cư cũ; tiến hành rà soát, lập danh mục kiểm định các nhà chung cư cũ giai đoạn 2020-2022 (dự kiến 177 công trình).
Hà Nội cũng đã tập trung phát triển các dự án cấp nước sạch. Đến nay, công suất cấp nước đạt 1.520.000m3/ngày-đêm, vượt nhu cầu sử dụng vào thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè. Tỷ lệ phủ mạng cấp nước cho người dân khu vực nông thôn đạt khoảng 78%.
Thành phố cũng tập trung đầu tư các dự án nhà máy xử lý nước thải; xử lý ô nhiễm môi trường 90/125 hồ nội thành; thực hiện hiệu quả mô hình thí điểm tổ chức Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị tại các quận, huyện, thị xã, nhờ đó giảm mạnh tỷ lệ công trình vi phạm. Hiện nay, UBND thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian thí điểm mô hình trên.
Tuy nhiên, theo Ban Cán sự đảng UBND thành phố, bên cạnh những kết quả tích cực, nhiều lĩnh vực cụ thể còn hạn chế, khó khăn, đặt ra nhiều bài toán như Bí thư Thành ủy đã đề cập ở trên.
Trên cơ sở đó, thành phố Hà Nội đề xuất 15 nội dung phối hợp với Bộ Xây dựng và đề xuất, kiến nghị tháo gỡ 20 khó khăn, vướng mắc trên 5 lĩnh vực.
Trong đó, thành phố kiến nghị Bộ thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; thực hiện lộ trình di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học và các trụ sở bộ, ngành, cơ quan trung ương… trong nội thành Hà Nội, bàn giao quỹ đất cho thành phố để bổ sung xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.
Hà Nội cũng đề nghị Bộ Xây dựng ủng hộ chủ trương và phối hợp với thành phố xây dựng, trình phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025; Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố...
Thống nhất 15 nội dung tăng cường phối hợp
Hơn 10 ý kiến của lãnh đạo bộ, ngành và thành phố Hà Nội đã trao đổi, thảo luận, tập trung làm rõ những vấn đề mà Hà Nội kiến nghị, đề xuất.
Đáng chú ý, các Thứ trưởng Bộ Xây dựng đều thống nhất với những đề xuất của thành phố về cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn để cải tạo chung cư cũ; ủng hộ giải pháp đột phá là điều chỉnh quy hoạch, nâng cao số tầng tòa nhà xây dựng tại các khu chung cư cũ để thu hút nhà đầu tư, cho phép thực hiện dự án khi có từ 70% đến 80% số người dân trong chung cư cũ đồng ý. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng khẳng định, Hà Nội không thể đẹp được nếu không cải tạo chung cư cũ.
Tại cuộc làm việc Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách, điều hành hoạt động của UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cũng đã trao đổi, làm rõ, đề xuất thêm các nội dung trọng tâm, trọng điểm để đề nghị Bộ Xây dựng tập trung hỗ trợ thành phố trong thời gian tới.
Thống nhất và đánh giá cao 15 nội dung dự kiến tăng cường phối hợp giữa Bộ Xây dựng và UBND thành phố trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị lựa chọn một số vấn đề cấp thiết, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng và UBND thành phố tập trung triển khai, phối hợp giải quyết ngay trong thời gian tới.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn thực hiện quy chuẩn mới về phòng cháy, chữa cháy, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020; hỗ trợ thành phố đi trước một bước về công tác quy hoạch các huyện, các xã chuẩn bị thành quận, phường; giúp đỡ tháo gỡ vấn đề cải tạo các trường học bằng cách nâng tầng, khắc phục tình trạng thiếu quỹ đất ở 4 quận nội đô lịch sử. Đặc biệt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Bộ sớm phê duyệt thủ tục tạo điều kiện cho thành phố triển khai kịp thời việc cải tạo Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô, phục vụ tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Phân cấp, ủy quyền tối đa cho Hà Nội
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đánh giá cao chủ trương của Thành ủy Hà Nội, trực tiếp là đồng chí Bí thư Thành ủy, đã làm việc với các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực cho Thủ đô; bày tỏ ấn tượng về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; nhất trí cao về nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, quản lý và phát triển đô thị là yếu tố cốt lõi đóng góp vào sự phát triển bền vững của Hà Nội trong 5 năm tới, do đó, thành phố cần tập trung quan tâm lĩnh vực này. Trước hết, Hà Nội cần khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, vì sau gần 10 năm thực hiện đã xuất hiện nhiều yếu tố khách quan đòi hỏi phải thay đổi, nhất là yêu cầu về phát triển bền vững, đáp ứng tầm nhìn phát triển đô thị Hà Nội trong giai đoạn tới.
Đồng chí Phạm Hồng Hà khẳng định: “Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Hà Nội ngay trong những khâu đầu tiên của việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, giúp rút ngắn thời gian của quá trình điều chỉnh. Trước mắt, hai bên có thể thành lập ngay một tổ công tác chung để phối hợp đồng bộ thực hiện việc này”. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng nhất trí cao với ý kiến của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng về việc phải giải quyết triệt để vấn đề quy hoạch nông thôn.
Đề cập đến vấn đề “nóng” là cải tạo chung cư cũ, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, đây là vấn đề khó khăn chung của cả nước, không phải của riêng Hà Nội, trong đó vướng mắc chính là về cơ chế, chính sách ở cả luật và các văn bản dưới luật. Để cùng Hà Nội tháo gỡ vấn đề này, Bộ Xây dựng xác định, tới đây, với những vướng mắc liên quan đến các nghị định, Bộ sẽ cùng Hà Nội kiến nghị Chính phủ tháo gỡ ngay; với những vướng mắc thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật thì sẽ kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho thực hiện thí điểm. Ngay trong tuần tới, Bộ Xây dựng sẽ làm việc với UBND thành phố để xem xét về đề án cải tạo 11 chung cư cũ mà thành phố gửi xin ý kiến.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị thành phố đưa vào Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố một số nội dung như: Tập trung xóa hết nhà đơn sơ bán kiên cố, không để hộ nào không có nhà ở, thực hiện quy hoạch thiết kế đô thị hai bên sông Hồng và trục Láng - Hòa Lạc...
“Bộ Xây dựng cam kết, thời gian tới sẽ tăng cường hiệu quả công tác phối hợp với thành phố Hà Nội ở 3 hướng: Tập trung phối hợp giải quyết những vấn đề lớn; phân cấp, ủy quyền tối đa những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ cho Hà Nội; giảm ít nhất một nửa thời gian giải quyết thủ tục, cho ý kiến theo quy định khi có đề nghị của Hà Nội, nhất là liên quan đến các lĩnh vực kiến trúc, nhà ở, thị trường bất động sản”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ.
Thành lập tổ công tác chung giải quyết những vần đề lớn
Nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, mục tiêu tổng quát phát triển đô thị của Hà Nội trong giai đoạn 2020-2025 là đổi mới căn bản và toàn diện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhằm phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững; phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; đầu tư mở rộng khu vực đô thị, xây dựng một số đô thị vệ tinh và đô thị thông minh; tăng cường quản lý đất đai, môi trường, xây dựng, kỷ cương và văn minh đô thị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, để thực hiện thành công mục tiêu đó, ngoài nỗ lực của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của nhân dân, Hà Nội rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, trong đó có Bộ Xây dựng. Đồng chí mong muốn, trên cơ sở những nội dung đã trao đổi và thống nhất tại buổi làm việc, Bộ Xây dựng sẽ có kế hoạch tăng cường phối hợp, hỗ trợ thành phố giải quyết các vấn đề sẽ được nêu trong biên bản ghi nhớ và thông báo kết luận buổi làm việc, trước hết là những vấn đề quan trọng, cấp thiết như quy hoạch, nhất là quy hoạch nông thôn gắn với phát triển đô thị; cải tạo chung cư cũ, chung cư xuống cấp, nguy hiểm; xây dựng quy chế quản lý kiến trúc; thực hiện chương trình phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị; phát triển nhà ở xã hội...
Nhấn mạnh những vướng mắc liên quan đến vấn đề cải tạo chung cư cũ và quy hoạch phân khu sông Hồng, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng, đây là những vấn đề rất khó, nếu không quyết liệt thì không làm được. Đồng chí đề nghị Bộ Xây dựng ưu tiên phối hợp cùng Hà Nội để giải quyết hai vấn đề này.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhất trí cao việc cùng Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo thành lập một tổ công tác chung để tập trung phối hợp giải quyết những vấn đề lớn có tính chiến lược cho Thủ đô. Đánh giá cao cam kết tăng cường phân cấp, ủy quyền tối đa cho Hà Nội và giảm 50% thời gian giải quyết các vấn đề thủ tục và đề xuất, kiến nghị của thành phố, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố, các sở, ban, ngành thành phố cũng phải thực hiện với tinh thần đó; tích cực, chủ động, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ Xây dựng cũng như các bộ, ban, ngành trung ương để giải quyết dứt điểm những vấn đề cấp thiết đang đặt ra.
* Cụ thể hóa các nội dung tăng cường phối hợp đã thống nhất tại buổi làm việc, đại diện Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng và Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã ký kết biên bản ghi nhớ; Văn phòng Thành ủy và Văn phòng Bộ Xây dựng ký thông báo chung kết luận buổi làm việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.