Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường phát triển vận tải đường thủy

Gia Bảo| 23/09/2022 07:05

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế để phát triển loại hình vận tải hành khách bằng đường thủy, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, phát triển du lịch, chia sẻ áp lực cho giao thông đường bộ. Dự kiến cuối năm 2022, thành phố sẽ mở các tuyến tàu cao tốc, phà biển kết nối với Côn Đảo, Tiền Giang, Bến Tre…

Tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu đáp ứng nhu cầu đi lại

Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phối hợp tổ chức khai thác tuyến vận chuyển hành khách, khách du lịch bằng đường thủy từ thành phố đi Côn Đảo và ngược lại. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa, vận tải ven biển và du lịch đường thủy, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Để tuyến tàu cao tốc này hoạt động, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sớm chỉ đạo huyện Côn Đảo và các đơn vị liên quan sắp xếp, hỗ trợ bố trí cảng, bến thuận tiện để điều động phương tiện thủy. Dự kiến, mỗi ngày có 2 lượt tàu ra vào cảng đưa đón khách tại Côn Đảo.

Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh) Phạm Ngọc Dũng, tuyến tàu cao tốc thành phố Hồ Chí Minh đi Côn Đảo và ngược lại sẽ được Công ty TNHH Công nghệ xanh DP (Greenlines DP) và Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc khai thác. Tàu dự kiến đi từ quận 1 (thành phố Hồ Chí Minh) đến Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), hành trình từ 5 đến 6 giờ, giá vé khoảng 900.000 đồng/lượt. Tổng Giám đốc Greenlines DP Trần Song Hải cho hay, dự kiến, cuối năm 2022 sẽ đưa vào khai thác khi dự án nâng cấp cầu cảng phía Côn Đảo được hoàn tất.

Trước thông tin này, chị Đào Thị Thanh (ngụ tại thành phố Thủ Đức) vui mừng: “Người dân rất mong chờ tuyến tàu cao tốc này hoạt động, nhất là ở Côn Đảo, vì khi đó đất liền với đảo được nối liền, thay vì cách trở như hiện nay vì hiện muốn đến Côn Đảo và ngược lại phải đi bằng máy bay và xe khách, rất tốn kém”.

Bên cạnh tuyến đường thủy đến Côn Đảo, để kết nối bằng đường thủy với các tỉnh trong khu vực, thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ mở các tuyến tàu cao tốc đi hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và ngược lại. Các tuyến này vận chuyển người dân và khách du lịch từ thành phố đến Tiền Giang với cự ly khoảng 110km, đến Bến Tre cự ly khoảng 120km.

Các tuyến dự kiến có điểm đầu từ bến Bạch Đằng (quận 1) hoặc cảng Sài Gòn, Nhà Rồng (quận 4), sau đó theo sông Sài Gòn - Nhà Bè - Soài Rạp - Vàm Cỏ (hoặc theo kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc) - kênh Chợ Gạo - sông Tiền đến cảng, bến thuộc Tiền Giang và Bến Tre. Phương tiện dự kiến có 6 tàu với sức chở 75 đến 151 khách. Tàu chạy thẳng từ thành phố Hồ Chí Minh đến Tiền Giang, Bến Tre và ngược lại.

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết, việc mở các tuyến tàu cao tốc trên nhằm phục vụ hành khách đi đường sông và vận chuyển hàng hóa, phát huy lợi thế đường thủy nội địa, góp phần giảm tải cho đường bộ. Hiện bến bãi đã có sẵn, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm nay. Thời gian đầu, các tàu dự kiến hoạt động từ 6h đến 18h hằng ngày, sau đó điều chỉnh phù hợp thực tế nhu cầu của hành khách.

Cùng với đó, sau hơn 1 năm tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu đi vào hoạt động, mới đây, UBND huyện Cần Giờ kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh sớm triển khai tuyến phà biển Cần Giờ - Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang).

Theo UBND huyện Cần Giờ, việc xây dựng tuyến phà biển Cần Giờ - Tiền Giang nhằm kết nối về giao thông thủy giữa 2 địa phương. Dự kiến sẽ đưa tuyến phà này chạy trước Tết Nguyên đán 2023, giúp rút ngắn hơn 100km so với đường bộ.

Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quốc Chánh (đơn vị đề xuất) Nguyễn Quốc Chánh thông tin, giai đoạn đầu, trên tuyến dự kiến sẽ có 2 phà, mỗi phà chở từ 20 đến 30 phương tiện và khoảng 200 hành khách. Về giá vé, đơn vị khai thác đang nghiên cứu sau khi UBND thành phố Hồ Chí Minh làm việc với tỉnh Tiền Giang để thống nhất luồng tuyến, lộ trình.

Để vận tải đường thủy hoạt động thuận lợi, ngành Giao thông thành phố Hồ Chí Minh sẽ nạo vét luồng, tuyến, nâng độ tĩnh không thông thuyền tại các cầu bắc qua kênh. Đồng thời, đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính liên quan nhằm đưa vào hoạt động đúng kế hoạch, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường phát triển vận tải đường thủy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.