Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường hoạt động phòng ngừa xâm hại phụ nữ, trẻ em

Nhóm phóng viên| 10/09/2022 07:00

(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3101/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026”. Mục tiêu đề án là nhằm phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và kịp thời hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, xử lý nghiêm minh các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Thành đoàn - Hội đồng Đội thành phố Hà Nội khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong triển khai Đề án tổ chức hoạt động phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2018-2022. Ảnh: Thành Trung

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh:
Nhân rộng, nâng cao chất lượng hoạt động mô hình

Thời gian qua, Thành đoàn Hà Nội thực hiện Đề án “Tổ chức hoạt động phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2018-2022”. Các cấp bộ Đoàn tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể để nhân rộng, nâng cao chất lượng hoạt động mô hình giáo dục kỹ năng sức khỏe sinh sản, kỹ năng bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại cho thiếu nhi. Đẩy mạnh tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về Luật Trẻ em, giải pháp phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục, trang bị kỹ năng công tác xã hội cho cán bộ phụ trách thiếu nhi, phụ huynh. Bằng những hoạt động phong phú, thiết thực, Hội đồng Đội thành phố đã trở thành người bạn đồng hành, giúp thiếu nhi Thủ đô vượt khó, vươn lên trở thành con ngoan, trò giỏi, được rèn luyện và phát triển toàn diện cả thể chất, tinh thần.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy:
Phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức hội

Thực tế vẫn tồn tại quan niệm dạy dỗ con là việc riêng của mỗi gia đình, dẫn tới nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại, nhất là trẻ em bị bạo lực ngay tại gia đình trong thời gian dài nhưng hàng xóm, cộng đồng, cơ quan, tổ chức không phản ánh, tố cáo kịp thời… Để thúc đẩy việc lên tiếng, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, hội sẽ tập trung chỉ đạo các cấp hội chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về giới, về kỹ năng nhận biết và phòng ngừa xâm hại phụ nữ, trẻ em một cách cụ thể, sát thực tế. Duy trì, nhân rộng mô hình có hiệu quả thiết thực nhằm thu hút, tập hợp phụ nữ tham gia, góp phần phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức hội trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ…

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng:
Tăng cường hiệu quả giám sát, phản biện

Từ mục tiêu của Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026”, huyện Đan Phượng sẽ tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực cho phụ nữ, trẻ em để họ có khả năng tự bảo vệ, xây dựng môi trường sống, làm việc an toàn cho chính bản thân và gia đình. Tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, phụ nữ. Tăng cường giám sát, phản biện và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Phát huy hiệu quả của đường dây nóng để người dân biết, tin tưởng báo tin tố giác, tham vấn khi bị hoặc có nguy cơ bị xâm hại.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, huyện Thanh Trì: 
Cần xác định hoạt động bảo vệ phụ nữ, trẻ em ở nhiều cấp độ khác nhau

Hiện nay, chúng ta đã xây dựng hành lang pháp lý với chế tài đủ mạnh và nhiều công cụ để bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, xâm hại như hệ thống quy định pháp luật; những chương trình hoạt động từ cấp độ nhà nước đến địa phương, các ban, ngành, đoàn thể… Thế nhưng, tình trạng phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, xâm hại vẫn xảy ra tại nhiều nơi, đặc biệt là những nơi dân trí chưa cao, đời sống kinh tế ở mức thấp. Để bảo vệ phụ nữ, trẻ em một cách hiệu quả trước nạn bạo hành, xâm hại, cần phải xác định hoạt động này ở nhiều cấp độ khác nhau: Cấp độ phòng ngừa; cấp độ hỗ trợ; cấp độ can thiệp. Tùy mỗi cấp độ sẽ xây dựng cách thức triển khai phù hợp, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, giảm thiểu nguy cơ phụ nữ và trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Bà Nguyễn Huyền Thu, phường Xuân La, quận Tây Hồ:
Tăng cường vận động nhân dân tố giác tội phạm

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng. Điều đáng nói, thủ phạm gây ra các vụ việc đau lòng này đều là người thân hoặc những người trong gia đình, hàng xóm, có quan hệ gần gũi. Vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em cần tăng cường giáo dục truyền thống gia đình; chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Đồng thời, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng chức năng trong phòng, chống các hành vi lĩnh vực này. Ngoài ra, cần thiết lập các đường dây điện thoại, thư điện tử, hộp thư tố giác tội phạm... để tăng cường vận động người dân kịp thời tố giác tội phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường hoạt động phòng ngừa xâm hại phụ nữ, trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.