Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên: Chú trọng rèn đức, luyện tài

Bảo Nga - Hồng Hạnh| 21/12/2019 08:26

(HNM) - Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 4-12-2019 về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, Báo Hànộimới ngày 14-12-2019 đã đăng bài viết “Giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên: Dạy chữ đi đôi với “dạy người”, nhấn mạnh vai trò trọng yếu của công tác này trong giáo dục. Sau khi bài báo đăng, nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự đồng thuận, tính cấp thiết phải chú trọng rèn đức, luyện tài cho học sinh, sinh viên đã được nêu rất rõ trong nội dung của chỉ thị.

Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh, sinh viên cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Ảnh: Viết Thành

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: 
Thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong trường học

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh luôn được ngành Giáo dục Hà Nội xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện một cách bền vững. Theo đó, trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị số 31/CT-TTg thành những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường học ở các địa bàn khác nhau.

Một trong những giải pháp mà ngành Giáo dục Hà Nội sẽ kiên trì triển khai là chú trọng rèn đức đi đôi với luyện tài, thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong trường học, trong đó yêu cầu mỗi thành viên nhà trường - từ hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên đến từng học sinh - phải nắm được các quy định về chuẩn mực đạo đức chung, biết rõ những việc nên hoặc không nên làm...

Ngoài ra, Hà Nội sẽ quan tâm hơn tới công tác tư vấn, hỗ trợ, trang bị kỹ năng xử lý các tình huống cho học sinh, trong đó có việc phát huy hiệu quả của phòng tư vấn tâm lý trong trường học; nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp; đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm và tình nguyện vì cộng đồng... 

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: 
Giáo dục đạo đức phải được triển khai linh hoạt 

Để Chỉ thị số 31/CT-TTg đi vào cuộc sống, các trường học phải được trao quyền tự chủ một cách thực sự, đồng thời phát huy tính dân chủ trong nhà trường, qua đó mới phát huy tối đa năng lực, mạnh dạn sáng tạo trong công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện và quan tâm, khích lệ những sáng kiến, cách thức đổi mới của từng đơn vị, trường học; đồng thời chứng minh hiệu quả và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của mình. Khoa học và thực tiễn đều cho thấy, công tác giáo dục đạo đức cho học sinh phải được triển khai một cách linh hoạt, không thể áp đặt cứng nhắc, đồng loạt.

Từ các nội dung của chỉ thị, nhà trường cần xây dựng mục tiêu và giải pháp cụ thể, trong đó quan tâm đến vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ học sinh. Việc tạo động lực và xây dựng đội ngũ nhà giáo có chuyên môn vững vàng, tâm huyết, sáng tạo và phát huy vai trò nêu gương cũng là yếu tố quan trọng nhằm tác động tích cực đến nhân cách, đạo đức của học sinh. 

Cô Vũ Thu Hương, giáo viên Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên):
Cần sự chung tay giữa gia đình và nhà trường

Hiện, nhiều bậc phụ huynh còn xem trọng thành tích hơn là khích lệ và cùng con học hành, trải nghiệm cuộc sống… Trong khi đó, không ít trường học vẫn còn coi nhẹ việc dạy và học đạo đức, rèn nếp sống đẹp, ứng xử văn minh… cho học sinh. Để tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh, sinh viên, rất cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Mỗi phụ huynh cần dành thời gian quan tâm, hỗ trợ và giúp con giải quyết kịp thời những khó khăn trong học tập và cuộc sống; dạy con biết sống đẹp, biết yêu lao động và ham học hỏi…

Về phía nhà trường, cần đa dạng hóa môn giáo dục công dân và các môn học có liên quan, chú trọng xây dựng chương trình học đi đôi với hành; mỗi giáo viên cần liên tục đổi mới, nâng cao phương pháp dạy học để tạo hứng khởi cho học sinh, đồng thời khuyến khích các em phải nỗ lực tự rèn luyện bản thân, nhận biết và tránh xa những thói hư, tật xấu.

Sinh viên Bạch Hải Nam, lớp 3 Tây CQ, Học viện Tài chính: 
Tăng cường giáo dục đạo đức thông qua những tấm gương tiêu biểu

Từ năm 2017, khi Giáo dục công dân trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, các thầy cô giáo đã chú trọng và "đầu tư" nhiều hơn cho môn học này, học sinh cũng chú tâm hơn trước. Tuy nhiên, giáo trình của môn học này vẫn còn khô khan, chưa thực sự hấp dẫn nên mặc dù giáo viên bộ môn đã cố gắng mở rộng kiến thức ngoài sách giáo khoa nhưng học sinh vẫn không hào hứng. Rất mong ngành Giáo dục sẽ chú trọng đổi mới nội dung sách giáo khoa cho sinh động, hấp dẫn và phù hợp với tình hình thực tiễn của xã hội.

Bên cạnh đó, mỗi nhà trường cần tổ chức nhiều hơn các hoạt động giáo dục tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia, trách nhiệm với cộng đồng. Tăng cường giáo dục đạo đức thông qua những tấm gương sinh viên tiêu biểu ngay trong trường mình, giới thiệu và tuyên dương những sinh viên điển hình về học tập, nghiên cứu khoa học, đạo đức… Mặt khác, cần có hình thức kỷ luật nghiêm những học sinh, sinh viên có biểu hiện lệch lạc trong nhận thức, lối sống để trong sạch hóa môi trường giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên: Chú trọng rèn đức, luyện tài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.