Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường gắn kết giữa đại biểu Quốc hội và HĐND

Bảo Vy| 06/06/2017 05:45

(HNM) - Sự gắn kết, thông suốt trong hoạt động giữa Quốc hội và HĐND sẽ tăng cường sức mạnh của hệ thống cơ quan dân cử.

Quốc hội và HĐND là cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhà nước, nhưng quy định về mối quan hệ giữa Quốc hội với HĐND nhất là cấp tỉnh; quan hệ giữa HĐND cấp trên với HĐND cấp dưới còn mờ nhạt. Giữa các cơ quan này thiếu sự ràng buộc, gắn kết trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thông tin, báo cáo… Đặc biệt, mối quan hệ phối hợp hoạt động của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ở từng địa phương, trên từng địa bàn còn yếu; có nơi hầu như chưa có… Điều dễ nhận thấy nhất là mối quan hệ phối hợp trong tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp.

Theo ông Nguyễn Xuân Diên, tốt nhất là đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND ứng cử ở cùng một địa phương kết hợp tổ chức chung một cuộc tiếp xúc cử tri để cử tri có thể phản ánh tất cả kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của mình. Nội dung thuộc trách nhiệm của địa phương, hay trung ương, các đại biểu theo nhiệm vụ của mình trao đổi, tiếp thu. Kết hợp được như vậy vừa đỡ tốn kém, vất vả cho công tác chuẩn bị, phục vụ, vừa tiết kiệm thời gian cho cử tri.

Trong hoạt động giám sát cũng vậy, hai cơ quan cần đẩy mạnh sự phối hợp để nắm bắt thông tin kịp thời. Ủy ban của Quốc hội giám sát ở địa phương cũng nên mời các đại biểu HĐND ứng cử ở đó cùng tham gia; ngược lại, HĐND khi giám sát cũng nên mời các đại biểu Quốc hội ứng cử tại địa phương. Việc này vừa là dịp tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Quốc hội và HĐND, đồng thời tạo cơ hội để đại biểu nắm đầy đủ thông tin nơi mình ứng cử. Hai cơ quan cũng cần có sự phối hợp trong việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân để tránh trùng lặp và tăng hiệu quả...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường gắn kết giữa đại biểu Quốc hội và HĐND

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.