(HNM) - Thời gian qua, Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới nhiều công trình phòng, chống thiên tai. Các công trình khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường, nên để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, việc bảo đảm hạ tầng phòng, chống thiên tai cần được quan tâm, chú trọng nhiều hơn nữa.
Niềm vui từ những công trình
Đến xã Minh Châu (huyện Ba Vì) những ngày này có thể cảm nhận được niềm vui của người dân khi công trình kè chống sạt lở bờ sông Hồng đã hoàn thành. Bà Hoàng Thị Sáu (thôn Chu Châu, xã Minh Châu) phấn khởi nói: “Trước đây, khu vực này thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa lũ khiến hơn 50ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị cuốn theo dòng nước, 45 ngôi nhà đứng trước nguy cơ bị "hà bá" nuốt chửng... Từ khi có dự án kè chống sạt lở, người dân không còn lo bị lũ cuốn trôi nhà đất, ruộng vườn như trước nữa”.
Không riêng Minh Châu, người dân các xã nằm dọc bờ các sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy thuộc địa bàn các quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm... cũng rất vui mừng khi được thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình phòng, chống lũ kết hợp làm đường giao thông... Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, từ khi hoàn thành công trình xử lý sự cố đùn sủi cống Cẩm Đình, chính quyền và nhân dân huyện Phúc Thọ không còn tâm trạng thấp thỏm khi tới mùa mưa bão.
Theo Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, từ năm 2012 đến nay, thành phố đã đầu tư 4.786 tỷ đồng để cứng hóa 193km mặt đê; khoan phụt vữa, xử lý ẩn họa 99km thân đê; tu sửa, nâng cấp và xây mới 92km kè bờ sông; xây dựng mới 4 cống qua đê... Nhiều tuyến đê, như: Vân Cốc (đoạn qua các huyện: Phúc Thọ, Đan Phượng), tả Hồng (đoạn huyện Đông Anh), tả Đuống, hữu Đuống (đoạn thuộc quận Long Biên, huyện Gia Lâm)... đã được thành phố đầu tư kiên cố không chỉ bảo đảm an toàn chống lũ mà còn đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cùng với việc đầu tư hệ thống đê chống lũ, Hà Nội đang từng bước hoàn chỉnh hệ thống phòng, chống úng ngập, hạn hán, bảo vệ sản xuất nông nghiệp như các trạm bơm: Yên Nghĩa (quận Hà Đông), Hạ Dục (huyện Chương Mỹ), Thụy Phú (huyện Phú Xuyên), Ngoại Độ (huyện Ứng Hòa)...
“Hiện các dự án đê điều, thủy lợi phục vụ công tác phòng, chống thiên tai của thành phố trong năm 2020 đã hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào sử dụng. Sở NN&PTNT Hà Nội đang tập trung thực hiện các dự án xử lý sự cố đê điều, thủy lợi. Trong số 7 dự án mới được giao (từ tháng 5-2020 cho đến nay), Sở đã thi công 3 dự án chống sạt lở bờ sông Đáy, sông Hồng (đoạn huyện Chương Mỹ, huyện Đông Anh), dự kiến trong tháng 9-2020 sẽ hoàn thành. 4 dự án còn lại, đang hoàn thiện hồ sơ, lựa chọn nhà thầu thi công và sẽ hoàn thành trong tháng 10-2020”, Giám đốc Ban Duy tu các công trình NN&PTNT Đinh Công Sơn cho biết.
Vẫn cần quan tâm, đầu tư hơn nữa
Theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Trần Thanh Mẫn, hiện nay, các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, đoạn đi qua thành phố Hà Nội đã đủ cao trình chống lũ với mực nước thiết kế... Tuy nhiên, đối với các tuyến đê cấp IV, cấp V và các tuyến đê bối, hiện còn thiếu cao trình chống lũ từ 0,5m đến 2,5m theo quy hoạch...
Thực tế tại huyện Chương Mỹ, tuyến đê cấp IV tả Bùi thiếu cao trình chống lũ từ 0,5m đến 1,5m; tuyến đê cấp IV hữu Bùi còn thiếu từ 1,5m đến 2,5m… “Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, huyện Chương Mỹ đề xuất thành phố đầu tư kinh phí nâng cấp các tuyến đê trên; đồng thời, chỉ đạo cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng hệ thống công trình ngăn lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc đề xuất.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cho rằng, để giảm nỗi lo úng ngập do lũ rừng ngang gây ra, tạo thuận lợi cho nhân dân 7 xã dọc tuyến đê yên tâm phát triển kinh tế - xã hội, huyện mong muốn thành phố đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp tuyến đê Mỹ Hà.
Liên quan vấn đề trên, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Sở NN&PTNT đã tham mưu với UBND thành phố, trong giai đoạn tới, tiếp tục đầu tư khoảng 4.739 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp hệ thống đê điều, thủy lợi; trong đó, ưu tiên đầu tư xây mới 50km đê hữu Đáy (đoạn qua các huyện: Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa); củng cố, nâng cấp các tuyến đê tả Bùi, hữu Bùi (đoạn huyện Chương Mỹ); xây dựng các trạm bơm: Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), Đông Mỹ (huyện Thanh Trì)...
“Tuy nhiên, để giảm rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra, các quận, huyện, thị xã cần thực hiện đúng nguyên tắc “phòng là chính”; trong đó, nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ””, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.