(HNMO) – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Thị trường BĐS còn đang khó khăn, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, nhưng quan trọng nhất là phải gắn với chiến lược nhà ở quốc gia, để sản phẩm BĐS đến với người dân.
Theo đó, BĐS tạo ra phải phù hợp với nhiều đối tượng, cả người giàu và người nghèo, để mọi người tiếp cận được với nhà ở và cải thiện nhà ở.
Thông tin trên được Bộ trưởng nêu ra tại “Hội thảo về nhà ở xã hội tại Việt Nam – Bài học từ kinh nghiệm quốc tế”, diễn ra ngày 12/3/2014 tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức.
Tăng cung nhà ở xã hội, đẩy mạnh giải ngân gói 30.000 tỷ đồng
Từ năm 2011, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với những quan điểm mới về phát triển nhà ở, xác định rõ 8 nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ và tạo điều kiện cải thiện nhà ở. Để thực hiện Chiến lược này, Bộ Xây dựng đã cụ thể hóa bằng các chính sách cụ thể, trong đó đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 188 về nhà ở xã hội, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội…
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, Chính phủ đã có chính sách hết sức ưu đãi là dành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân vay mua nhà với lãi suất thấp. Đó là những người khó khăn về nhà ở, thu nhập trung bình và thấp không có điều kiện tiếp cận với nhà ở theo cơ chế thị trường. Gói này không phải là để cứu BĐS và ngân hàng có trách nhiệm giải quyết. Bộ Xây dựng cùng với Ngân hàng đang tích cực đề ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, giải ngân nhanh.
Trong đó, thứ nhất là phải tăng cung nhà ở xã hội, vì nếu không có nhiều nhà ở xã hội, diện tích dưới 70m2 và giá dưới 15tr/m2 sẽ không thể giải ngân được nhiều. Gói tín dụng này phải sử dụng đúng đối tượng, tránh lợi dụng để trục lợi và gây thất thoát.
Tiếp đó, vấn đề thứ 2 là tiếp tục rà soát những thủ tục không cần thiết, làm cản trở, hạn chế tiếp cận của người dân với gói tín dụng này. Bộ trưởng cho biết đã cùng Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT, Ngân hàng Nhà nước ký một Thông tư liên tịch là thế chấp nhà ở, tài sản người dân mua để được vay gói tín dụng này. Đó sẽ là một hướng mở tốt. Cùng với đó, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát để gói tín dụng đến với người dân, đúng đối tượng, cải thiện được nhà ở.
“Đây là một chương trình dài hạn, càng phát triển, ta càng có nhiều tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn, để người dân được vay và có điều kiện tốt hơn để tiếp cận nhà ở. Việc này không chỉ là việc riêng của Bộ Xây dựng, nên chúng tôi cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các địa phương. Vì tất cả các dự án phát triển nhà ở xã hội đều ở địa phương, thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương quyết định, cũng như xác định tiêu chí, điều kiện đều do chính quyền địa phương, quận, huyện, xã phường quyết định… cũng cần sự vào cuộc để người dân có điều kiện tiếp cận với nhà ở xã hội”... Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cần nguồn lực và sự hợp tác quốc tế để phát triển nhà giá rẻ
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, việc phát triển nhà ở xã hội, cần nguồn lực trong nước, nhưng trong khi nguồn lực trong nước còn hạn chế, kinh nghiệm còn chưa nhiều cho nên rất cần sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng đánh giá cao sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới đối với chương trình hỗ trợ kỹ thuật nhằm xác định rõ các vấn đề về nguồn cung và nhu cầu nhà ở xã hội, trao đổi kinh nghiệm về phát triển nhà ở giá rẻ và tư vấn về cơ chế chính sách trong quá trình nghiên cứu sửa đổi luật nhà ở của Việt Nam.
Thay mặt các chuyên gia của Ngân hàng thế, bà Victoria Kwakwa – Giám đốc WB tại Việt Nam đánh giá: Việt Nam là nước đang trong quá trình phát triển và đô thị hóa, phải đối mặt với những thách thức của quá trình dịch cư từ nông thôn ra đô thị, trong đó có việc giải quyết tình trạng định cư không chính thức, giải quyết những khó khăn về nhà ở cho người dân ở đô thị và các khu công nghiệp, khắc phục tình trạng lệch pha về cung cầu bất động sản, đặc biệt trong phân khúc nhà có giá trung bình, nhà ở giá rẻ. Trong thời gian qua, Ngân hàng Thế giới cùng các đối tác phát triển khác đã có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc thực hiện nhiều chương trình về nâng cấp, phát triển đô thị, xóa đói giảm nghèo…hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu chính sách, trong đó có chính sách phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam.
Tại hội thảo này, chính sách phát triển nhà ở giá rẻ - các bài học kinh nghiệm quốc tế (Brazil, Ai Cập, Ma-rốc); Cách tiếp cận vấn đề nhà ở xã hội của một số nước như Mê-hi-cô, Trung Quốc… đã được các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế bàn thảo.
Theo Bộ Xây dựng, thông qua hội thảo này, Bộ sẽ nghiên cứu, chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam để đưa ra những cơ chế, chính sách cụ thể trong việc thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, tăng cường khả năng tiếp cận nhà ở cho một bộ phận lớn người dân có thu nhập thấp và có khó khăn về nhà ở, góp phần giải quyết vấn đề nhà ở cho nhân dân, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.