(HNMO) - Ngày 12-8, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ hỗ trợ của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho việc rà soát thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Từ năm 2019, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ UN Women và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược 2011-2020 để làm cơ sở cho việc xây dựng Chiến lược 2021-2030.
Quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Chiến lược 2021-2030 đã nhận được sự tham gia, đóng góp ý kiến của hơn 500 đại biểu là đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức Liên hợp quốc, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ quốc tế và các nhóm đại diện cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, thanh niên...
Trên cơ sở đó, ngày 3-3-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Chiến lược gồm 6 mục tiêu và 20 chỉ tiêu cụ thể nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực.
Chiến lược 2021-2030 còn đề ra nhiều chỉ tiêu mới. Đó là phấn đấu giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp; tăng các cơ sở trợ giúp xã hội công lập, triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; giảm tỷ suất sinh ở vị thành niên; các cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới. Nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, việc thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã góp phần không nhỏ vào công tác bình đẳng giới tại Việt Nam, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đặc biệt, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu Quốc hội và gần 30% nữ đại biểu tham gia HĐND các cấp là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Elisa Fernandez Saenz cho rằng, các cơ quan chức năng cần quan tâm dành nguồn lực, lồng ghép việc thực hiện các chương trình, hoạt động bình đẳng giới trong các kế hoạch của ngành và địa phương, cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia...
Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UN Women kêu gọi các bộ, ban, ngành, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và các cơ quan của Liên hợp quốc quan tâm nhiều hơn nữa đến việc thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam, để không ai bị bỏ lại phía sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.