Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rèn kỹ năng tiếp cận, đưa tin các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em

Mai Hoa| 15/06/2023 09:50

(HNMO) - Bạo lực với phụ nữ, trẻ em có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào, kể cả trên không gian mạng, thủ phạm có thể là bất kỳ ai, kể cả người thân trong gia đình, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người bị bạo lực, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, việc tiếp cận với nạn nhân, đưa tin các vụ việc về bạo lực với phụ nữ và trẻ em đòi hỏi sự nhạy cảm và kỹ năng của các phóng viên, báo chí cao hơn.

Quang cảnh hội nghị

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương chia sẻ như vậy tại Hội nghị tập huấn quy định pháp luật và kỹ năng tiếp cận, đưa tin về các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em đối với cán bộ cơ quan truyền thông do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức sáng 15-6 tại Tôn Thất Thuyết (Hà Nội).

Đánh giá cao vai trò của các cơ quan truyền thông trong tuyên truyền phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, bà Phạm Thị Thanh Hương bày tỏ mong muốn thông qua hội nghị, các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp để các hoạt động báo chí góp phần giúp cho công tác quan trọng này đạt hiệu quả cao hơn, nhất là trong bối cảnh những năm gần đây, tình hình bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng về cả số lượng và tính chất nghiêm trọng của vụ việc.

Cụ thể, chỉ tính riêng trong 3 năm 2019-2021, theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố có gần 390 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Theo báo cáo hằng năm của Tòa án nhân dân thành phố, trong 3 năm 2019-2021 và đầu năm 2022, tòa án đã thụ lý 283 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 305 bị cáo, năm sau số vụ tăng hơn năm trước. 

Các đại biểu dự hội nghị.

Ban Tổ chức kỳ vọng hội nghị là dịp phổ biến các quy định pháp luật, các kiến thức, kỹ năng tiếp cận, đưa tin bài liên quan đến bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, nhằm tránh định kiến giới và định hướng dư luận về các chuẩn mực đạo đức, văn hóa, xã hội, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Trong khuôn khổ chương trình, TS Đỗ Xuân Lân, Chánh Văn phòng Đảng - Đoàn thể, Bộ Tư pháp; TS Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giảng viên chính Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã trình bày các chuyên đề về quy định pháp luật liên quan đến việc lấy thông tin, đưa tin về các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em; kỹ năng tiếp cận, đưa tin về vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Rất nhiều thông tin hữu ích đã được chia sẻ tại hội nghị, nhằm phổ biến, thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, thành phố về công tác phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em. Đặc biệt là góp phần thực hiện hiệu quả Quyết định số 3010-QĐ/UBND ngày 29-8-2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026”. Đây là đề án quan trọng, với 3 nhiệm vụ chính là tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; thành lập, nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; nâng cao năng lực và trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức triển khai công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rèn kỹ năng tiếp cận, đưa tin các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.