(HNM) - Trực xuyên Tết Nguyên đán đã trở thành việc quen thuộc đối với những người làm công tác xã hội. Sự tận tâm của họ đã kết nối tình yêu thương đến những người cần bảo trợ trong xã hội. Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Nguyễn Văn Quảng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về nội dung này.
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về công tác tập trung, tiếp nhận, chăm sóc người lang thang dịp Tết Nguyên đán của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội?
- Chúng tôi duy trì thường trực 24/24 giờ, bảo đảm cho công tác tập trung, tiếp nhận người lang thang, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp theo thông báo của các địa phương.
Trong năm 2022 (tính đến ngày 14-12-2022), tổng số đối tượng tập trung, tiếp nhận của trung tâm là 380 người lang thang. Quy trình được thực hiện theo đúng Quyết định số 6053-QĐ/UBND của UBND thành phố Hà Nội quy định về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn Hà Nội và Nghị định số 20-NĐ/CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó, đối tượng người lang thang được đưa đến các cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố để chăm sóc, nuôi dưỡng, chờ đưa về nơi cư trú hoặc nuôi dưỡng lâu dài đối với người chưa xác định được địa chỉ...
Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chúng tôi phải tăng cường kiểm tra, tập trung rà soát địa bàn, đưa người lang thang về trung tâm đón Tết, một mặt để bảo đảm mọi người đều có Tết; mặt khác, bảo đảm môi trường xã hội văn minh, không còn người lang thang, xin tiền tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch...
- Thưa ông, công tác quản lý, chăm sóc các nhóm đối tượng được thực hiện như thế nào?
- Chúng tôi bố trí viên chức, người lao động trực bảo đảm các quy trình, quy định về việc tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và giải quyết đối tượng. Hằng ngày, duy trì mọi hoạt động, sinh hoạt của đối tượng. Cùng với đó, tổ chức khám sức khỏe cho toàn bộ đối tượng mới vào và theo dõi sức khỏe trong thời gian được nuôi dưỡng, chăm sóc tại đơn vị.
Trong công tác nuôi dưỡng đối tượng, phải bảo đảm chế độ ăn cho đối tượng theo quy định, lên bảng tài chính công khai hằng ngày. Trung tâm luôn chú trọng đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm vệ sinh, lưu mẫu thức ăn hằng ngày. Đặc biệt, chúng tôi cũng đề xuất lương thực, thực phẩm từ nguồn quà tặng để bổ sung vào bữa ăn cho đối tượng, nhằm tăng giá trị dinh dưỡng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi.
- Dịp Tết Nguyên đán, công việc của những người làm công tác xã hội lại thêm vất vả hơn, thưa ông?
- Với những người làm công tác xã hội, vất vả mà mọi người đều có Tết thì thật vui. Điều đáng nói, vẫn còn tình trạng người xin tiền ở các ngã ba, ngã tư, trên lòng đường; tình trạng người lang thang hoạt động theo nhóm và có dấu hiệu bảo kê "chăn dắt"; mặt khác, chế tài xử lý cũng chưa đủ sức răn đe. Giải quyết vấn nạn này, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền mạnh tay giải quyết nạn "chăn dắt" ăn xin, bởi không thể chấp nhận việc kiếm tiền bất hợp pháp từ người yếu thế, lợi dụng lòng nhân ái của người khác để hưởng lợi bất chính. Cùng với đó, UBND các xã, phường, thị trấn cần tăng cường phối hợp với trung tâm trong việc tập trung người lang thang; công tác thiện nguyện đối với người khó khăn, cơ nhỡ được thực hiện đúng nơi, đúng chỗ.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.