(HNM) - Đến thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội hỏi ông lang Hiệp (Nguyễn Hữu Hiệp) là không ai không biết. Thậm chí khách chỉ mới nói ông lang chữa nghiện là không ít người đã nhiệt tình dẫn đến tận nơi.
Người biết thì kính nể ông, người không hiểu biết thì bảo ông gàn dở vì hàng chục năm qua trong nhà ông lúc nào cũng có năm, sáu người nghiện, có người còn "dính H". Mặc những lời đàm tiếu, ông vẫn ăn với họ, thức cùng họ và chữa bệnh cho họ mà không mảy may nghĩ đến lợi ích kinh tế.
Miệt mài nghiên cứu bài thuốc cai nghiện
Căn nhà cấp 4 cũ kỹ, lạc lõng giữa những ngôi nhà cao tầng khang trang, vậy nhưng lúc nào cũng ồn ào. Trong nhà ông Hiệp hôm nay có 5 người nghiện tá túc, cùng với những người nhà đi theo chăm sóc. Thật khó để nghĩ rằng hầu hết họ đều là những con nghiện, chỉ cách đây vài ngày, vài tuần còn vật vờ với khói thuốc trắng, cơ thể rệu rã đến nỗi ruồi đậu không buồn đuổi. Gặp chúng tôi, ông Hiệp bảo ông vừa ra chợ mua ít thịt, rau về để nấu ăn cho những người đang cai nghiện tại nhà mình. Mới đầu, chúng tôi không nghĩ người đàn ông nhỏ thó, quần xắn quá đầu gối ấy chính là ông lang Hiệp nổi tiếng xa gần, cho đến khi tất cả mọi người trong nhà cùng nhau cất tiếng "chào thầy", "chào bố" mới vỡ lẽ ra. Như đọc được suy nghĩ của khách, ông cười: "Chữa cho người nghiện phải có cái tâm, đừng bao giờ coi mình là thầy thuốc mà phải coi mình là chú, là bác của họ, coi xương thịt của họ cũng như xương thịt của mình vậy".
Hai anh em cùng một gia đình được thầy lang Hiệp (người ở giữa) chữa khỏi bệnh. |
Người ta biết đến ông không chỉ là người nắm giữ những bài thuốc dân gian điều trị bệnh ngoài da, gan, thận… mà còn nhờ bài thuốc cai nghiện trong vòng 20 ngày, được ông dốc tâm tìm hiểu để bào chế ra. Trong vòng 6 năm qua, bằng bài thuốc Đông y của mình, kết hợp với việc xoa bóp bấm huyệt, ông đã giúp giải nghiện cho 362 người. Nhờ sự giúp đỡ và bài thuốc kỳ diệu của ông, nhiều cảnh đời đã được hồi sinh, nhiều gia đình tan vỡ được hàn gắn, nhiều kẻ bị coi như bỏ đi đã trở thành người có ích, giúp giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội…
Ánh mắt ông như chìm sâu vào quá khứ hơn 30 năm trước. Ấy là cái ngày sau bao năm tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương, ông trở về tham gia vào Hội Đông y Hà Nội, rồi mày mò nghiên cứu các vị thuốc, thứ nhất để giúp tự chữa bệnh cho mình, sau là cho họ hàng, làng xóm. Với niềm đam mê nghiên cứu, học hỏi, chẳng mấy chốc tên tuổi của ông được nhiều người biết đến, cứ người này truyền tai người kia, bệnh nhân từ khắp nơi ùn ùn kéo đến nhờ ông giúp đỡ. Thế nhưng, đúng cái thời mà mọi người cho rằng ông đã ở đỉnh cao ấy, nếu cứ bám lấy nghề chẳng những không đói mà còn giúp ông và gia đình sống tốt nữa, thì đùng một cái ông rẽ ngang, chuyển hướng khi đi tìm bài thuốc… chữa nghiện.
"Khi làm nghề, tôi đã chứng kiến biết bao con người, biết bao gia đình tan nát vì ma túy. Một người nghiện ma túy sẽ kéo nhiều người khổ theo, tệ nạn xã hội cũng gia tăng. Không những thế, ai đã dính vào rồi thì cũng rất khó dứt ra được, dù có đưa đi cai nghiện nhưng tỷ lệ tái nghiện vẫn cao. Chính vì vậy tôi đã tự nhủ, là một người thầy thuốc, mình không nên đứng ngoài cuộc. Với suy nghĩ đó, tôi quyết tâm lao vào nghiên cứu, tìm hiểu để bào chế ra bài thuốc chữa nghiện hiệu nghiệm, dù biết rằng phía trước đầy chông gai…" - ông Hiệp cho biết.
Sau thời gian thuyết phục gia đình ông bắt đầu nghiên cứu, nhưng vấn đề là bắt đầu từ đâu, nghiên cứu như thế nào, liệu có phương thuốc nào chữa dứt được cho người nghiện? Ông Hiệp kể lại: "Đầu tiên khi đi vào nghiên cứu, tôi thấy khó khăn trăm bề. Thứ nhất là những tài liệu liên quan đến cắt cơn nghiện ở nước ta và thế giới chưa nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực Đông y thì càng hiếm. Do đó, tôi bắt đầu nghiên cứu về biểu hiện của người nghiện, về chất gây nghiện, cũng như xem họ sợ nhất điều gì…". Bên cạnh việc tìm ra bài thuốc chữa nghiện, điều mà ông Hiệp quan tâm khác chính là nguyên nhân, tâm lý của người nghiện. Theo ông, việc một người đi vào con đường nghiện ngập không chỉ vì đua đòi, bị dụ dỗ mà phần nhiều do bị sốc tâm lý dẫn đến chán nản. Tuy nhiên, dù là ai đi nữa thì trong tâm hồn của họ vẫn có ý hướng thiện, vấn đề là mình biết khơi dậy sự hướng thiện, ham sống của họ hay không.
Sau khi nghiên cứu kỹ, thầy lang Hiệp đã kết hợp 8 vị thuốc khác nhau mà ông dày công tìm hiểu, nghiên cứu của 8 thầy thuốc ở Bắc - Trung - Nam. Ông cho biết: "Thật ra dược liệu bài thuốc của tôi phần nhiều là những loại cây cỏ quanh ta. Tuy nhiên, phải biết kết hợp chúng lại, với hàm lượng nhất định, chuẩn xác thì sẽ cho ra một vị thuốc tốt. Phương thuốc ấy sẽ có tác dụng đào thải chất gây nghiện từ trong xương tủy và chỉ sau bát thuốc đầu tiên, họ sẽ không còn cảm thấy thèm hay vật vã nữa…".
Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân tìm đến ông ngày càng đông. Với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, ông không những chữa bệnh miễn phí mà còn chăm lo cơm nước cho họ cả tháng trời. Với ông Hiệp, chữa bệnh chỉ đơn giản là làm việc thiện. Bởi vậy, với bài thuốc của mình, kết hợp với phương pháp bấm huyệt, tận tâm hỏi han, động viên người bệnh, nhiều người nghiện đã dần hồi sinh…
Giành lại nhiều mạng sống từ "nàng tiên nâu"
Ông Nguyễn Hữu Hiệp cho hay: "Tôi được nhận nhiều bằng khen của Hội Đông y huyện Thường Tín (Hà Nội), Hội Đông y Việt Nam... nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất của tôi chính là những người bệnh sau khi trở về với đời thường vẫn nhớ đến tôi, thường xuyên gọi điện hỏi thăm".
Anh P (40 tuổi, Hà Nội) đã có thâm niên nghiện ma túy 16 năm. Vốn cao ráo, đẹp trai, từng có bằng đại học, từng mở một ảnh viện áo cưới to ở gần trung tâm Hà Nội, rồi sang tận Thái Lan kinh doanh khoáng sản, có vợ và hai người con thế rồi trót sa vào vòng tay "nàng tiên nâu". Đã nhiều lần quyết tâm cai nghiện, hết trại nọ đến trung tâm kia mà nghiện vẫn hoàn nghiện. Khi được người nhà đưa đến đây, nhìn thấy "thầy Hiệp" và căn nhà cũ kỹ anh nằng nặc đòi về. "Ở các trung tâm có bao nhiêu cán bộ quản giáo, có rào thép gai mà còn không cai được, huống hồ là ở đây" - anh nghĩ. Người nhà động viên mãi anh mới chịu… Anh bảo, không ngờ ở đây cai nghiện lại nhẹ nhàng đến vậy. Khi lên cơn đau nhức, anh được thầy Hiệp "tiêm" (thủy châm) cho, thế là cơn đau tan dần và anh đi vào giấc ngủ. Hằng ngày anh được uống thuốc. Giờ mới sang ngày thứ tư anh đã thấy khỏe hơn nhiều, gần như không còn nhớ ma túy nữa.
Ông Hiệp kể về bệnh nhân số 311 (ông giấu tên), cũng đã nghiện trên chục năm. Đó là trường hợp đầu tiên phải cai đến lần thứ hai vì lần đầu được 5 ngày thì bệnh nhân này bỏ về mất. Ông bảo: "Sau khi tái nghiện, cậu ta quay lại xin tôi chữa nhưng tôi không đồng ý. Vì 5 ngày tôi nỗ lực giúp cậu ấy lần trước đã trở thành công cốc. Vợ cậu ấy ẵm con lên tận nhà xin tôi chữa và hứa sẽ khuyên chồng tu chí cai nghiện tôi mới nhận. Khỏi bệnh, cậu ấy tu chí làm ăn nên khấm khá lắm. Thỉnh thoảng cậu ấy vẫn về đây thăm tôi, thật mừng cho nó!". Ông vui vẻ khoe: "Đây chị nhìn, tôi không khóa cửa, vẫn cho người nghiện đi xe máy ra ngoài mua đồ dùng nhưng chả ai tìm đến ma túy cả".
Trong nhà ông Hiệp, ngoài những bảng nội quy về tình đoàn kết, sự công bằng, yêu thương lẫn nhau giữa những người nghiện do ông quy ước còn rất nhiều thư cảm ơn, những bức ảnh chụp ông cùng với những người cai nghiện thành công, cả những bài thơ tri ân… Ông bảo, những người đến với ông thuộc rất nhiều thành phần trong xã hội, cán bộ có, luật sư có, doanh nhân có, "đầu trộm đuôi cướp", trùm xã hội đen cũng có, nhưng một khi đã vào đến đây thì tất cả được đối xử công bằng như nhau và họ đều kính trọng gọi ông bằng thầy, bằng bố. "Có anh cai được 7 ngày, mới gọi tôi vào chỉ vào cái cặp đựng nào súng, nào dao, nào kiếm, bảo: Thầy ơi con tưởng vào đây như các chỗ khác nên phải mang cái này phòng thân. Tôi bảo ừ, thôi cất đi. Sau này mới biết anh ta là một trùm giang hồ" - ông Hiệp kể.
Ngày qua ngày, chỉ một mình ông Hiệp và người bệnh trong căn nhà cấp 4 ba gian cũ nát, con cháu trong gia đình cũng ít ghé thăm có lẽ cũng bởi họ sợ dân nghiện. Nói chuyện với chúng tôi, ông Hiệp ngậm ngùi: "Cho đến giờ tôi vẫn chưa tìm được một học trò đúng nghĩa, để có thể thay mình cứu giúp những người nghiện".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.