Chiều 6-9, tân nội các Thái Lan do nữ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đứng đầu đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức tại Cung điện Dusit. Động thái này được kỳ vọng sẽ chấm dứt chuỗi bất ổn chính trị kéo dài tại đất nước Thái Lan trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra sẽ không là chặng đường “trải hoa hồng” bởi hàng loạt thách thức về kinh tế - xã hội đang chờ để giải quyết.
Nội các mới của Thái Lan về cơ bản giống với bộ máy chính phủ của Thủ tướng tiền nhiệm Srettha Thavisin. Bộ trưởng Nội vụ Anutin Charnvirakul, Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira, Bộ trưởng Ngoại giao Maris Sangiampongsa đều giữ nguyên chức vụ. Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cũng cam kết sẽ tiếp tục duy trì hầu hết các chính sách trước đó, đồng thời khẳng định sẽ xem xét đề xuất từ các đảng khác trong liên minh cầm quyền để hoàn thiện dự thảo chính sách mới.
Theo nhận định của các nhà chính trị Thái Lan, chính phủ mới của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra phải đối mặt với 10 vấn đề cấp bách, từ kinh tế đến xã hội cần được quan tâm. Nền kinh tế của nước này đã trì trệ trong nhiều năm. Các ngành công nghiệp từng là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong quá khứ bắt đầu giảm dần vai trò trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu. Đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) giảm cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu của Thái Lan. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể chỉ đạt 2,4% trong năm nay so với dự báo 2,8% trước đó.
Ngoài ra, Thái Lan cũng bị ảnh hưởng bởi mức nợ hộ gia đình cao và tiêu dùng chậm. Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải vật lộn với làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Do khó cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải đóng cửa, tạo ra hiệu ứng lan truyền trong nền kinh tế và làm giảm sức mua khi người dân mất việc làm và giảm thu nhập. Vì vậy, khôi phục nền kinh tế để cải thiện đời sống mọi tầng lớp nhân dân, lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trở thành yêu cầu khẩn cấp đối với tân thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Thái Lan.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhu cầu cấp thiết của chính phủ mới của Thái Lan là tạo điều kiện cho các khoản thế chấp với lãi suất thấp và cải thiện khả năng tiếp cận các khoản vay để hỗ trợ người mua nhà, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ từ chối thế chấp cao. Chính phủ cũng cần khẩn trương xây dựng các chính sách và biện pháp để giải quyết “cơn lũ” sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc và đẩy nhanh giải ngân ngân sách, hướng dẫn các cơ quan hành chính địa phương kích thích nền kinh tế. Việc phân phối các khoản thanh toán phúc lợi bằng tiền mặt theo chương trình “ví số” được ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương và người khuyết tật, sau đó là các biện pháp kích thích tức thời khác để tăng sức mua của người tiêu dùng.
Một trong những thách thức nữa đối với tân Thủ tướng Thái Lan là vấn đề khủng hoảng niềm tin do tình trạng thiếu ổn định chính trị kéo dài. Điều này cũng là nguyên nhân khiến các chỉ số đầu tư, môi trường kinh doanh suy giảm. Ngoài ra, các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (mpox) như Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo có nguy cơ trở thành đại dịch, cần được chính quyền mới giải quyết khẩn cấp.
Tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cam kết sẽ có các biện pháp giúp nền kinh tế quốc gia thoát khỏi "khủng hoảng" và sẽ công bố chi tiết chính sách của chính phủ trong quốc hội vào tuần tới. Chính phủ của bà sẽ điều chỉnh lại chương trình "ví điện tử" hứa hẹn phát 10.000 baht cho những người trưởng thành Thái Lan. Chương trình này nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên 5%, cao hơn gấp đôi so với mức tăng trưởng trung bình dưới 2% trong gần một thập kỷ dưới thời quân đội cầm quyền.
Ngày 5-9, Hạ viện Thái Lan đã bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách cho năm tài khóa bắt đầu từ tháng 10-2024 với mức tăng 4,2% so với năm tài khóa hiện tại. Cụ thể, số ngân sách, tương đương khoảng 1/5 nền kinh tế có quy mô 500 tỷ USD của Thái Lan, bao gồm khoản tài trợ một phần cho chương trình phát tiền mặt gây tranh cãi trị giá 14 tỷ USD của chính phủ liên minh nhằm thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất. Con số này sẽ cho phép tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra chi tiêu mạnh mẽ hơn để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Nhiều người dân Thái Lan hy vọng, nội các mới sẽ mang tới sự thay đổi tích cực và bền vững cho đất nước trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.