(HNM) - Xuất phát từ quan niệm
Bắt đầu từ trọng chữ, trọng thầy
Tục khai bút đầu xuân hay xin chữ trong văn hóa truyền thống Việt Nam bắt đầu từ tinh thần trọng chữ, trọng thầy. Chữ không chỉ diễn để đạt tư tưởng, khai trí, khai tâm mà còn là phương tiện diễn đạt tình cảm của con người. Chữ Việt ban đầu là chữ Hán - loại vay mượn nhưng sau đó nó được giải Hán hóa bằng cách sáng tạo ra chữ Nôm. Người Nhật Bản và Triều Tiên cũng giải Hán hóa tạo ra chữ viết của họ như ngày nay. Dù vẫn dựa trên chữ Hán nhưng nó là chữ của riêng người Việt. Thời Mạc, vua ra chỉ dụ không dùng chữ Hán mà phải dùng chữ Nôm. Khi nhà Mạc thất thế phải chạy khỏi Thăng Long, chữ Hán được dùng trở lại. Nhưng đến triều Nguyễn, người có học hoặc đỗ đạt cao thích dùng chữ Nôm. Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” bằng chữ viết của dân tộc. Ở đền Ngọc Sơn, ngôi đền nằm giữa Hồ Gươm thơ mộng thờ Văn Xương, Trần Hưng Đạo, nghĩa là thờ sự học và anh hùng dân tộc. Năm 1865, Nguyễn Siêu đứng ra tu sửa lại đã cho xây một bể để đốt chữ. Hằng ngày, người nhà đền đi khắp 36 phố phường lượm giấy có chữ Hán, chữ Nôm mà thiên hạ bỏ đi mang về đây đốt vì người ta cho rằng chữ Hán hay chữ Nôm là chữ thánh hiền, không thể để người dân giẫm đạp lên được.
Xin chữ, nét đẹp văn hóa của người Việt, hấp dẫn du khách quốc tế. Ảnh: Viết Thành |
Ngoài trọng chữ, người Việt còn rất trọng những người có chữ, mà cụ thể là các thầy đồ dạy dỗ con cái họ. Tục ngữ có câu “Không thầy đố mày làm nên” và “Trọng thầy mới được làm thầy”, trong ba ngày Tết có hẳn một ngày dành cho thầy: Mồng một thì Tết nhà cha/Mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy. Đó không chỉ là hiếu lễ mà còn là đạo đức tôn sư trọng đạo. Còn câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy), nghĩa rộng hơn thì thầy không chỉ dạy chữ mà còn là thầy dạy nghề, dạy làm người. Thế nên người Việt còn gọi cha, bố là thầy.
Khai bút và xin chữ
Người xưa khai bút không phải viết bất kỳ chữ gì lên tờ giấy trong ngày đầu xuân mà khai bút có phần dị đoan. Trong cuốn “Bút nghiên” nhà văn Chu Thiên viết: “Các cụ tin rằng chưa khai bút mà đã viết văn làm thơ thì giông cả năm, đi học thì học dốt, làm gì cũng hỏng. Không những thế, khai bút nhưng cẩu thả, viết cả vào giờ xấu, ngày xấu thì quanh năm ốm đau, tai vạ. Thế nên khai bút phải chọn giờ đẹp, ngày đẹp, giấy mới, bút mới. Khai xong muốn viết gì thì viết”. Đấy là người biết chữ còn với nhà nho khai bút dứt khoát phải tuân theo các thủ tục. Khai bút ở công đường còn trang trọng hơn. Người ta cho lập bàn thờ giữa công đường để bái vọng thiên tử, quan phủ ăn mặc chỉnh tề thắp hương khấn vái xong mới viết. Vì chữ cũng nói lên tính người, và qua chữ người ta có thể đoán may rủi trong năm mới nên khai bút dù chọn lối viết nào cũng phải viết nắn nót sao cho chữ đẹp nhất.
Khai bút với bậc quân chủ hay đại nho là vô cùng quan trọng, ngoài dạy dỗ thiên hạ còn tự răn mình. Sách “Đại Nam thực lục chính biên” chép: “Đầu xuân năm 1823, vua Minh Mạng khai bút bằng sáu chữ: Phúc Thọ, Thượng Thọ và Hữu Niên (được mùa) vào ba bức giấy rồng, đưa cho bầy tôi và bảo: Nay trẫm khai bút viết sáu chữ ấy, hai chữ Thượng Thọ là dâng cung Từ Thọ để cầu phúc lớn, hai chữ Hữu Niên để cầu cho dân ta năm nay được mùa, năm ngoái mùa kém ta từng thức ngủ không yên, hai chữ Phúc Thọ đặt bên hữu chỗ ngồi để theo ý nghĩa nhà vua thu phúc mà ban cho dân”. Năm 1843, vua Thiệu Trị ban cho đại thần mỗi người một chữ “Trung”, còn viết cho mình chữ “Cần”. Thiệu Trị cho rằng “Cần là đức tốt nên ta lấy chữ đó răn mình. Xuân năm nay khai bút viết một chữ này để tự cảnh tỉnh”. Cũng theo “Đại Nam thực lục chính biên”, vua Tự Đức phàn nàn: “Đầu năm các quan tâu việc rất ít, cuối năm thì lại rất nhiều, không phải họ lười biếng mà họ câu nệ, kiêng kỵ. Tháng Chạp năm ngoái ta xem không hết, xem cả ngày không hết. Sợ mỏi mệt phê không đúng thành ra sai một ly đi một dặm”. Vì thế Tết năm 1867, Tự Đức khai bút bằng bài thơ “Xuân mới” ý nói là không nên câu nệ ngày nên làm, ngày nên kiêng.
Khai bút không chỉ bày tỏ thông điệp cá nhân mà người viết còn mong muốn làm được các bài thơ hay, câu đối có ý nghĩa và “lập ngôn” những câu để đời. Khai bút cũng là để giáo dục con cháu coi trọng việc học hành, vì “nhân bất học bất chi lý” và không biết chữ, giỏi chữ thì: Bất học thi vô dĩ ngôn/Bất học lễ vô dĩ lập/Nhân nhi bất học kì do chính tường diện nhi lập. (Tạm dịch: Không đọc sách biết lấy gì để nói. Không học lễ lấy gì để lập thân. Người không học thì như đứng úp mặt vào tường).
Tuy nhiên khai bút “rắc rối” nhất chính là nhà Nho viết văn, thơ. Cụ Trần Tế Xương (1870-1907) đã khai bút bằng câu đối: Nhập thế cục bất khả vô văn tự (bước vào đời không thể nào không có văn chương, chữ nghĩa)/Chẳng hay ho cũng húng hắng một vài bài/Huống thân danh đã đỗ tú tài/Ngày tết đến cũng phải một vài câu đối. Còn Tú Mỡ cũng có bài “Khai bút rông”: Là văn sĩ lẽ nào không khai bút/ Chẳng hay ho cũng nắn nót một bài/Ngót hai năm xổng bút mỉa mai đời/Thì tết đến cũng phải có bài thơ… rắc rối.
…
Nếu tục khai bút đầu năm là của người biết chữ, hay chữ thì người đi xin chữ dịp Tết là người yêu chữ, trọng chữ. Tại các vùng quê, dân tìm đến thầy đồ làng xin chữ.
Còn ở thành thị, nhà buôn, thợ thủ công cậy cục các nhà nho có tiếng xin chữ vì xin được đã là may mắn mà trong chữ còn là các lời khuyên chí lý. Nói chung chữ xin các thầy đồ có nội dung mong muốn điều tốt lành cho bản thân, gia đình, họ mạc. Ví dụ về hiếu lễ, các thầy hay cho chữ “Ấm hà tư nguyên” (uống nước sông nhớ đến nguồn), “Đức lưu quang” (đức chan hòa ánh sáng). Bên cạnh chữ đại tự, các thầy đồ còn viết chữ mừng xuân mới và thường là: Xuân, Thọ, Khang, Ninh, Phúc, Đức hay Phú, Quý, Lộc... Nhà nào không hạnh phúc thì các ông đồ cho chữ Bình, ai nóng vội cho chữ “Dục tốc bất đạt”, ai thiếu kiên nhẫn thầy đồ cho chữ Nhẫn. Các chữ này được viết to hết khổ giấy. Chữ không chỉ là chữ mà chữ còn như bức tranh nên người xin bao giờ cũng treo trên vách, chỗ nhiều người nhìn thấy.
Đầu thế kỷ XX, chữ Hán, chữ Nôm bị thu hẹp dần, kỳ thi Nho học cuối cùng ở Bắc kỳ là năm 1915. Chữ quốc ngữ và chữ Pháp trở thành hai thứ chữ chính thống trong các văn bản nhà nước. Các trường tiểu học bắt buộc học tiếng Pháp. Các nhà nho cũng ít dần, văn hóa phương Tây lấn át vì thế tục khai bút và xin chữ dịp Tết tuy không mất nhưng không còn thịnh như trước.
Và hôm nay
Tục khai bút đầu năm và xin chữ là nét văn hóa đẹp. Tuy nhiên một thời chữ Hán, chữ Nôm bị cho là thứ chữ của phong kiến hủ lậu nên không ai dám xin chữ này và người biết chữ này đầu xuân phải “khai bút lậu”. Nhiều người sợ mất tục đẹp khai bút bằng chữ quốc ngữ. Ngót chục năm nay, trước Tết một số trí thức, văn nghệ sĩ vẫn tìm đến các người biết chữ Hán, chữ Nôm xin chữ đại tự về treo. Lại có người ngày Tết tặng bạn bè những câu nói để đời trích từ văn chương chữ Hán. Tại phố ông đồ Văn Miếu, nhiều gia đình dẫn con cháu ra xin chữ những mong con cháu ngoan ngoãn, học giỏi. Thời buổi viết bằng máy tính là chính mà vẫn còn người trọng chữ như vậy cũng lấy làm mừng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.