Nông thôn mới

Tân Lập - Từ làng lên phố

Nguyễn Mai 09/09/2023 - 10:28

Xã Tân Lập là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Cùng với các xã của huyện Đan Phượng, Tân Lập đang thực hiện các tiêu chí chuyển từ xã thành phường theo quyết định của thành phố. Nhờ đô thị hóa nhanh, những làng quê truyền thống nơi đây đang mang dáng dấp phố phường hiện đại.

tan-lap-1.jpg
Xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) hôm nay mang dáng dấp của đô thị hiện đại.

Diện mạo làng quê đổi thay

Nhắc tới truyền thống lịch sử của địa phương, Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Văn Học cho biết: Xa xưa, Tân Lập có tên là Gối Hạ, thuộc vùng tổng Gối. Đến những ngày đầu cách mạng, 8 làng Gối bao gồm: Thượng Hội, Thúy Hội, Phan Long, Vĩnh Kỳ, Đan Hội, Hạ Hội, Ngọc Kiệu, Hạnh Đàn được gọi là tiểu khu Gối.

Để phù hợp yêu cầu nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 6-1948, Gối Thượng và Gối Hạ được sáp nhập thành xã mới, lấy tên là xã Tân Hội, huyện Liên Bắc, tỉnh Hà Đông.

Tháng 6-1956, xã Tân Lập được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Tân Hội thành 2 xã Tân Hội và Tân Lập. Xã Tân Lập có 4 làng: Đan Hội, Hạ Hội, Ngọc Kiệu, Hạnh Đàn và 4 trại: Kim Âu, Ngọc Trúc (làng Hạ Hội); trại Ngọc Kiệu (làng Ngọc Kiệu), trại Hạnh Đàn (làng Hạnh Đàn)...

Tân Lập nằm giữa hai vùng đất cổ xứ Đoài và vùng đất Thăng Long - Hà Nội giàu truyền thống văn hóa. Đến nay, trên địa bàn có nhiều công trình văn hóa tín ngưỡng tôn giáo, đình chùa, lăng, miếu có kiến trúc khá đẹp với quy mô lớn. Trong đó, đình Ngọc Kiệu và đình, chùa Hạ Hội là những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo.

Đặc biệt, các ngôi đình ở 4 làng trong xã đều thờ chung một Thành hoàng làng là Tướng công Đinh Tuấn - người có công giúp vua Trần dẹp giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Hằng năm, vào các ngày từ mùng 6 đến 12 tháng Giêng, dân làng mở hội rước kiệu, đánh cờ người, chọi gà, thổi cơm thi… rất đặc sắc, đến nay vẫn được duy trì.

Trước đây, người dân Tân Lập chủ yếu làm ruộng, dệt vải. Bên cạnh đó, Tân Lập còn có một số nghề phụ: Thợ mộc, thợ nề, thợ hàn, thợ rèn, thợ gò, thợ thiếc…

Ngày nay, quá trình đô thị hóa, người dân phát triển rất nhiều nghề, đặc biệt là kinh doanh, dịch vụ.

Quá trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo làng quê Tân Lập đã đổi thay. Tháng 12-2015, xã Tân Lập có thêm 3 tổ dân phố thuộc khu đô thị Tân Tây Đô.

Đặc biệt, thực hiện Quyết định 5848/QĐ-UBND thành phố (ngày 21-10-2019), Tân Lập thực hiện các tiêu chí phát triển thành phường, đô thị được định hình rõ nét.

tan-lap-3.jpg
Tân Lập là xã đông dân nhất của huyện Đan Phượng, với hơn 25.200 nhân khẩu.

Đạt 13/16 tiêu chí xã thành phường

Hiện nay, so với các xã của huyện Đan Phượng, Tân Lập là xã đông dân nhất; với hơn 7.200 hộ, hơn 25.200 nhân khẩu. Riêng khu đô thị Tân Tây Đô có 11.000 dân. Số dân ở khu đô thị này tương đương với dân số ở xã khác. Về thu nhập, bình quân của xã đạt 82 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân toàn huyện Đan Phượng.

Bà Quách Thị Lý (cụm dân cư số 9) chia sẻ, đến nay, Tân Lập cơ bản không còn sản xuất nông nghiệp, người dân phát triển nhiều ngành nghề cho thu nhập cao. Gắn với xây dựng nông thôn mới và xây dựng xã thành phường, hạ tầng nông thôn ngày một khang trang, hiện đại…

Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Văn Học cho biết, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với xây dựng xã thành phường, địa phương đã đạt 13/16 tiêu chí, kết quả cao “tốp đầu” so với các xã của huyện Đan Phượng.

Để đạt kết quả đó, kinh nghiệm của địa phương khi triển khai là bám sát các tiêu chí, chọn tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau. Ví dụ, xã đã rà soát lại các ao, hồ, quỹ đất công để có phương án cải tạo, xây dựng vườn hoa, công viên. Đến năm 2016, xã đã làm được 11 vườn hoa sân chơi; cải tạo được 14/20 ao, hồ. Số ao còn lại, xã cũng đã có chủ trương đầu tư và được thực hiện trong thời gian tới.

anh-tan-lap-2.jpeg
Một ao làng ở xã Tân Lập được cải tạo sạch đẹp.

Đối với 3 tiêu chí chưa đạt là: Cân đối thu chi ngân sách; tỷ lệ đường được chiếu sáng (hiện xã mới đạt 65%, yêu cầu là 95%); đất giao thông (mới đạt 9,66m2/người, yêu cầu là lớn hơn hoặc bằng 11m2/người), Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Văn Học mong muốn thành phố và huyện sớm khởi công một số tuyến đường chạy qua địa bàn như: Đường N8 từ quốc lộ 32 đến cầu Thượng Cát có chiều dài gần 3km chạy qua xã Tân Lập; đường N9 chạy từ quốc lộ 32 đi đường 432 đã có quy hoạch; đường Tây Thăng Long chạy qua xã, chiều dài hơn 2km đã được cắm mốc giới… vừa đáp ứng tiêu chí của phường, vừa đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương…

Tại lễ đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của xã Tân Lập vừa qua, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải đề nghị Tân Lập phát triển theo hướng đô thị nhưng cần giữ gìn và phát huy truyền thống, nét văn hóa đặc sắc vùng đất xứ Đoài; khi vận hành, quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, đòi hỏi tư duy, tác phong, sinh hoạt, lối sống cũng phải thay đổi. Điều này đặt ra cho địa phương chuẩn bị sẵn tâm thế, đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng công dân số, kinh tế số bắt nhịp xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo bước chuyển hài hòa giữa làng và phố…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tân Lập - Từ làng lên phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.