Xã hội

Tận dụng “thời điểm vàng” để chữa cháy

Triệu Dương 25/07/2023 - 07:01

Theo Công an thành phố Hà Nội, thời gian gần đây, nhờ phát huy vai trò toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, triển khai mô hình “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy" và "Điểm chữa cháy công cộng”, lực lượng cơ sở đã nhanh chóng tận dụng "thời điểm vàng" dập tắt nhiều đám cháy khi vừa phát sinh.

chua-chay.jpg

Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy và lực lượng chức năng dập tắt đám cháy tại xã Đồng Thái (huyện Ba Vì).

Phòng, chữa cháy từ cơ sở

Thực tế cho thấy, nếu tận dụng được “thời điểm vàng” - khi hỏa hoạn vừa phát sinh, thì hiệu quả chữa cháy rất cao. Như vụ cháy nhà dân tại ngách 153/30, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm (ngày 7-6), ngay sau khi phát hiện, các hộ dân tại ngõ 30 đã hô hoán đồng thời nhanh chóng sử dụng phương tiện tại chỗ được trang bị tại “Điểm chữa cháy công cộng” để dập lửa, không để cháy lan.

Trước đó, ngày 5-6, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thêu (ở xóm Đông, thôn Tri Lai, Đồng Thái, huyện Ba Vì) bị chập điện dẫn đến cháy nhà kho nông cụ. Bà Thêu cho biết, đám cháy phát sinh ở nhà kho khi mọi người trong gia đình ở tầng trên nên không phát hiện được. Nhờ có hàng xóm tri hô và chữa cháy kịp thời nên không gây thiệt hại.

Trong cả 2 vụ cháy trên, người dân đã nhanh chóng sử dụng bình chữa cháy, các dụng cụ chữa cháy dập tắt trước khi lực lượng chuyên nghiệp có mặt. Thượng tá Lê Cảnh Thắng, Phó Trưởng Công an huyện Ba Vì, cho biết: “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy” được thành lập gồm một nhóm khoảng từ 5 đến 7 hộ có nhà kết hợp để ở và kinh doanh. Ngoài trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy độc lập của từng hộ, các hộ trong tổ sẽ lắp đặt chuông báo cháy liên hoàn, chỉ cần một hộ báo cháy thì chuông tại các hộ còn lại sẽ đồng loạt báo cháy, giúp công tác chữa cháy và cứu hộ được thực hiện kịp thời. Tại các ngõ hẹp có chiều sâu từ 50m trở lên, ô tô chữa cháy không vào được, sẽ bố trí các điểm phòng cháy, chữa cháy cơ động, được trang bị phương tiện chữa cháy và vật tư y tế phục vụ sơ cứu ban đầu.

Ngoài ra, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội đánh giá, việc triển khai mô hình "Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy" và "Điểm chữa cháy công cộng" đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ, nhân dân; làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy ngay từ cơ sở. Quan trọng nhất là người dân, nhờ được trang bị kiến thức, đã biết tận dụng “thời điểm vàng” khi đám cháy vừa phát sinh để chữa cháy kịp thời.

Đừng nghĩ “nhà tôi không bao giờ cháy”!

Trong vụ cháy khiến 3 nạn nhân bị tử vong ở phường Thổ Quan (quận Đống Đa) ngày 8-7 vừa qua, Công an thành phố Hà Nội cho biết, hộ gia đình gặp nạn đã tham gia mô hình “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy”, đã trang bị 4 bình chữa cháy. Chủ hộ được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Tại ngõ Thổ Quan (có hộ gia đình xảy ra cháy), UBND phường Thổ Quan đã lắp đặt các "Điểm chữa cháy công cộng" phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ban đầu. Tuy nhiên, khi kết hợp nhà ở làm nơi kinh doanh, chủ nhà đã bày hàng hóa kín lối đi, chưa triệt để xóa bỏ chuồng cọp… Điều này cản trở việc cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố.

Về vấn đề này, ngay sau đó, Công an thành phố đã liên tục đưa ra khuyến cáo, phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy nhà ống và khu tập thể cũ, xóa bỏ tư duy “thâm căn” mà nhiều người dân hiện nay còn mắc phải, đó là không cập nhật kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và luôn mặc định “nhà tôi không bao giờ cháy”.

Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố nhấn mạnh 8 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, Công an thành phố yêu cầu các đơn vị phải chủ động, quyết liệt, làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; đề nghị chính quyền phải vào cuộc, chỉ đạo giải quyết các nhiệm vụ mang tính liên ngành; làm rõ trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong công tác quản lý nhà nước…

Toàn thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng”. Công an thành phố xác định, bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy… chính là giải pháp căn cơ bảo đảm an toàn cháy, nổ cho mỗi gia đình Thủ đô.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 127 vụ cháy. Trong đó có 1 vụ cháy lớn, 3 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 46 vụ cháy trung bình, 66 vụ cháy nhỏ. Hỏa hoạn đã làm 6 người chết, 9 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 4,5 tỷ đồng, khoảng 6ha rừng. So với 6 tháng năm 2022, số vụ cháy, nổ xảy ra đã giảm trên cả 3 tiêu chí nhờ các giải pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đang được thực hiện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng “thời điểm vàng” để chữa cháy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.